Đồng hành và chia sẻ, nhưng vẫn phải đề phòng nợ xấu
NHNN chi nhánh TP.HCM gần đây đã thông tin về việc tổ chức triển khai cho 12 ngân hàng có hội sở và chi nhánh trên địa bàn đăng ký Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 với tổng số tiền dự kiến cho vay trong năm nay là 274.450 tỷ đồng.
12 ngân hàng tham gia chương trình đợt này bao gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, NamA Bank, Sacombank, HDBank, VietCapital Bank, SaigonBank, BacA Bank chi nhánh TP.HCM, UOB Singapore.
Dịch bệnh qua đi, DN sẽ phục hồi sản xuất |
Theo đó, những doanh nghiệp được vay vốn bằng VND với lãi suất ngắn hạn là 6%/năm; trung dài hạn là 9%/năm. Những doanh nghiệp hoặc hộ gia đình tổ hợp tác vay vốn theo Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 ở TP.HCM sẽ được xem xét giảm lãi vay khoản vay cũ, ngân hàng cho vay theo chương trình này sẽ tăng hạn mức vay vốn cho khách hàng. Ngoài ra ngân hàng cho vay theo chương trình này còn cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ căn cứ theo quy định của NHNN Việt Nam.
Đặc biệt, doanh nghiệp vay vốn phục vụ việc phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng theo chủ trương của UBND TP.HCM sẽ được nhiều ưu đãi của chính quyền thành phố bên cạnh việc nhận sự hỗ trợ của ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng còn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để giải ngân vốn vay nhanh nhất dưới sự giám sát của NHNN chi nhánh TP.HCM.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, mức lãi suất ngắn hạn cho vay vốn bằng VND được các ngân hàng áp dụng theo chính sách lãi suất cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ) theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN Việt Nam.
Đây là một hoạt động chính của Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thường niên của hệ thống ngân hàng TP.HCM. Nhưng việc 12 ngân hàng cam kết cho vay mới, gia hạn nợ, giảm lãi có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực trong thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virut Corona (Covid – 19).
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và khó lường, việc các ngân hàng chủ động kết nối với doanh nghiệp thời điểm này ngoài việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh còn là cơ hội ngân hàng gắn kết và đồng hành trước những khó khăn của doanh nghiệp. Qua đó các tổ chức tín dụng có thể nâng cao tính cạnh tranh mềm trong bối cảnh kinh tế có những khó khăn nhất định của dịch bệnh.
Tuy vậy, các ngân hàng cũng cần cơ cấu lại các khoản cho vay vào những nhóm mặt hàng có tính rủi ro thời vụ thấp, hạn chế đầu tư quá lớn vào những sản phẩm có tính chu kỳ để hạn chế nợ xấu trong thị trường có nhiều biến động. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, qua nhiều năm kinh doanh bản thân ngân hàng cũng tự thấy khi doanh nghiệp gặp khó khăn do những tác động từ bên ngoài, như dịch bệnh thì ngân hàng cũng phải chủ động cứu lấy doanh nghiệp khách hàng của mình để doanh nghiệp có dòng tiền trở lại tiếp tục trả nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh diễn ra hiện nay, một chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng cũng cần có những giải pháp chuyển hướng cho vay vào các lĩnh vực ít chịu tác động bởi dịch bệnh, như phát triển tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm, cho vay vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế…
Vị chuyên gia này cho rằng, “có thể tôi hơi lạc quan sớm tuy nhiên dịch bệnh rồi sẽ qua đi chứ không ở lại mãi được nhất là khi tâm dịch Covid – 19 là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc từ ngày 10/3 đã bắt đầu gỡ các bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch”. Theo đó, các ngân hàng cần tính tới kế hoạch dài hạn cho hoạt động kinh doanh khi thị trường phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở lại để không bị đứt gãy quá trình sản xuất kinh doanh.