Chuyển đổi số: Ngân hàng bước vào “cuộc chơi” mới
Biến dữ liệu thành “mỏ dầu” của ngành Ngân hàng Nâng cao trải nghiệm khách hàng Thủ tướng: Chuyển đổi Số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi |
Không ngừng gia tăng lợi ích khách hàng
Đồng thời, ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng các dịch vụ số cũng là một nhân tố quan trọng khiến các ngân hàng số hoá nhanh hơn để giữ chân người dùng. Những yếu tố tất yếu thúc đẩy cùng với nỗ lực từ phía các TCTD đã giúp ngành Ngân hàng Việt đang có “diện mạo mới”. Hiện một số dịch vụ ngân hàng gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đến mở (hoặc tất toán) sổ tiết kiệm, thanh toán thương mại điện tử (e-commerce)…
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi các tài khoản khách hàng có thể sử dụng 24/7 ngay trên app của ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân. Giai đoạn 2020 - 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Trước năm 2016, khoảng 500.000 - 1.000.000 giao dịch/ngày đã là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức e-KYC…
Theo công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 của Techcombank, nhờ chú trọng vào chuyển đổi số, cá nhân hoá trải nghiệm cho người dùng đã giúp chỉ số quan trọng là tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này chứng kiến đà tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý II/2023. Ngân hàng này đã thu hút thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng mới trong nửa đầu năm 2023 với tỷ trọng 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử tăng 36,4% so với cùng kỳ năm. Sức nóng từ cuộc chơi chuyển đổi số lan toả mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng. Trong những năm qua, Agribank đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), thanh toán qua mã QR. Đại diện ngân hàng này cho biết, hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng đảm bảo thông suốt cho bình quân 35 triệu giao dịch mỗi ngày và cao điểm lên tới 45 triệu giao dịch mỗi ngày, giao dịch tự động chiếm tới 91,97% tổng số giao dịch.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đang bước vào “cuộc chơi” mới |
Cuộc chơi dữ liệu bùng nổ
Theo CTCP Tư vấn EY Việt Nam, có nhiều động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số dựa vào dữ liệu. Trong thế giới kết nối, việc đặt dữ liệu làm trọng tâm sẽ hỗ trợ các ngân hàng đưa ra những quyết định quan trọng nhất, định hướng quy trình vận hành và thúc đẩy quá trình tương tác giữa các ngân hàng với khách hàng. Ngành Ngân hàng đang không ngừng kết nối với các ngành khác, nhưng EY lưu ý các ngân hàng phải có năng lực xử lý dữ liệu rất nhanh, để có thể thu được lợi ích cụ thể từ mạng lưới kết nối liên ngành này.
Thực tế, các ngân hàng Việt cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu, nguồn tài nguyên được coi là “dầu mỏ” của ngành Ngân hàng. Nhiều TCTD đã xây dựng Data Warehouse, Datalake; triển khai API Portal để kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. Đồng thời, các ngân hàng cũng đang tích cực triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư. Đơn cử như tại Vietcombank, ngân hàng này đang đẩy mạnh giải pháp cấp tín dụng trên môi trường điện tử, ứng dụng tài khoản định danh trên môi trường điện tử, VNeID và điểm tín dụng công dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, bên cạnh ứng dụng hai giải pháp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng còn kết hợp với các nguồn dữ liệu, tiêu chí khác để ra quyết định cho vay trên kênh số, phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Ví dụ, nguồn dữ liệu giao dịch của khách hàng tại ngân hàng, hoặc tại các đối tác có uy tín của Vietcombank; dữ liệu trả lương qua tài khoản của khách hàng tại ngân hàng; dữ liệu về lịch sử tín dụng của khách hàng tại CIC.
Tuy nhiên, theo một số đại diện TCTD, họ đang gặp thách thức trong việc dữ liệu không “sạch”. Về vấn đề này, theo ông Phạm Anh Tuấn, ý thức được việc dữ liệu là một trong những yếu tố cốt lõi, là nguyên liệu để cung cấp các giá trị gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng, NHNN rất quan tâm đến việc làm sạch dữ liệu. Trong kế hoạch số 01/KHPH-NHNN-BCA của NHNN và Bộ Công an, đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ, một trong số đó là khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giúp các TCTD làm sạch dữ liệu của mình. Một trong những nội dung nữa là các TCTD phối hợp cùng CO6 để xây dựng những ứng dụng khai thác dữ liệu trên căn cước công dân gắn chip, qua đó xác định được chính chủ khi người dùng mở tài khoản, mở thẻ, giao dịch…
Qua quá trình triển khai, ông Tuấn cho biết hiện đã có 42 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip... Bên cạnh triển khai kế hoạch số 01/KHPH-NHNN-BCA, NHNN cũng ban hành một số quyết định liên quan đến thực hiện Open API giúp việc kết nối, chia sẻ dữ liệu có thể khai thác được, công bố danh mục dữ liệu mở để các TCTD và các đơn vị cần có thể khai thác. Thông qua CIC, NHNN đã cung cấp nhiều thông tin về tín dụng với người vay cho các TCTD và các công ty tài chính được cấp phép có nhu cầu, để phục vụ cho quá trình cấp tín dụng cho khách hàng.
“Trong thời gian tới, tất cả các TCTD có cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân sẽ hoàn thành việc làm sạch dữ liệu của mình, khai thác cơ sở dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip để đưa vào ứng dụng như mở thẻ, mở tài khoản, cho vay điện tử”, ông Tuấn kỳ vọng.
Thu thập, làm sạch dữ liệu đã khó, song phân tích và sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả càng khó hơn. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho hay, có khi bộ phận dữ liệu chuyển nhiều tệp dữ liệu xuống chi nhánh, nhưng không được khen, mà còn bị mắng, bởi đội ngũ kinh doanh chi nhánh không biết phải sử dụng dữ liệu đó như thế nào. Bởi vậy, dù dữ liệu là tài sản quý, song điều quan trọng nhất là phân loại, sử dụng dữ liệu như thế nào để giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.