Chuyển đổi số ngân hàng: Tăng trải nghiệm và an toàn cho khách hàng thế hệ mới
Ngân hàng không đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số | |
Ngân hàng cần “bắt tay” cùng chuyển đổi số | |
Xu thế số hóa làm thay đổi hình thái ngân hàng |
Vấn đề này đã được các chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thảo luận hội thảo và triển lãm công nghệ ngân hàng năm 2020 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh diễn đàn |
Tài chính, ngân hàng - “trái tim” của chuyển đổi số
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, khối tài chính và ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong trụ cột kinh tế số. Dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp và các tổ chức ngân hàng, tài chính là “trái tim của chuyển đổi số.”
Theo số liệu được công bố gần đây, 95% ngân hàng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. Có 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Vì vậy, “Để chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng của Việt Nam nhanh chóng, bền vững, bắt kịp thế giới thì “trái tim” ấy phải thực sự nhanh, thông minh và quan trọng nhất là phải an toàn, bền vững. Đây là một trong những mục tiêu, tiêu chí của chúng tôi trong hành trình chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng”, ông Trần Quang Hưng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Danh Thanh, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghệ Công ty PwC Consulting Việt Nam cũng cho rằng, những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế vĩ mô cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đối của ngân hàng Việt Nam. Theo đó, dân số và tỷ lệ tăng trưởng trong chi tiêu của người dân năm 2030 được dự báo tăng cao; Số người tầng lớp trung lưu thuộc top đầu trong nhóm ASEAN 5; Số lượng người sử dụng điện thoại thông minh, internet tăng lên nhanh chóng… là những yếu tố thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Các diễn giả tham gia thảo luận những vấn đề nổi bật trong chuyển đổi số ngân hàng |
Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành tài chính, ngân hàng trong chuyển đổi số đó là yếu tố tiện lợi và an toàn phải được thực hiện song song. Hệ thống ứng dụng của ngân hàng phải ngày càng tiện lợi, thông minh, tạo ra nhiều giá trị hơn. Cùng với đó là quá trình đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đảm bảo nguồn tài chính cho các cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt, sau những khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, các tổ chức tài chính, ngân hàng và khách hàng ở Việt Nam cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng. Trong đó, việc gia tăng mạnh nguy cơ các cuộc tấn công trên thế giới, đặc biệt các cuộc tấn công mạng có động cơ tài chính trong năm 2020 là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, trong hành trình chuyển đổi số, an ninh mạng được xem như yêu cầu tiên quyết để doanh nghiệp phát triển đột phá và bền vững.
Do đó, “cần hình thành nên mạng lưới chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, tổ chức ngân hàng, tài chính để đối phó với những nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng luôn thường trực. Các bên liên quan cần thống nhất về cơ chế phối hợp để khi có sự cố xảy ra, dữ liệu khách hàng không bị lọt, lộ, khắc phục nhanh nhất và giảm thiểu tối đa hậu quả”, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.
Dồn sức tăng trải nghiệm cho khách hàng thế hệ mới
Bên cạnh các vấn đề an ninh mạng trong chuyển đổi số ngân hàng, các chuyên gia đặc biệt lưu ý đến tăng cường trải nghiệm của thế hệ khách hàng số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Theo ông Đỗ Danh Thanh, trong thời kỳ số, các ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận với tập khách hàng thế hệ mới. Theo đó, ngân hàng thay vì lấy sản phẩm là trung tâm thành lấy trải nghiệm của khách hàng, đề cao vai trò của người quản lý trong trải nghiệm khách hàng nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Chia sẻ về những đặc tính của khách hàng thế hệ mới, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghệ Công ty PwC Consulting Việt Nam nhận định, nhóm khách hàng này có 7 đặc tính nổi bật. Trong đó, họ tin tưởng vào người đi trước; được thông tin đầy đủ về công nghệ; chủ động tìm kiếm, so sánh chi phí dịch vụ ngân hàng số… Đặc tính quan trọng nhất của họ là mong muốn có tiếng nói. Khi có một trải nghiệm xấu, ngay lập tức có thể chia sẻ lên internet ảnh hưởng đến tên tuổi của ngân hàng.
Các kỹ sư của ngân hàng Techcombank đạt giải nhất diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng |
Nhìn từ thực tiễn, các chuyên gia nhận định, nhóm khách hàng thế hệ mới là động lực lớn cho sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên để đưa ra được các sản phẩm dịch vụ này đòi hỏi các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo…
Cùng với đó, thanh toán điện tử cũng là một trong những lựa chọn ưu tiên của nhóm khách hàng này. Ông Lê Quang Tú, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Hạ tầng xác thực điện tử, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề cao vai trò của chữ ký số trong thanh toán điện tử. Bởi, chữ kỹ số đảm bảo được tính định danh, nhà cung cấp dịch vụ cũng xác thực được thông tin từ mã số, chứng minh thư/ căn cước công dân… Vì vậy, dữ liệu bảo đảm tính toàn vẹn, được mã hóa để bảo mật thông tin.
Trước nhiều kế hoạch và dự định chuyển đổi số trong thời gian tới của các ngân hàng, nhiều diễn giả kỳ vọng hệ thống chính sách, hạ tầng cứng và mềm phục vụ chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Từ đó, tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng…
Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã trao một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và hai giải khuyến khích cho các đơn vị xuất sắc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tham gia diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng, với tổng giải thưởng lên đến 300.000.000 đồng. |