Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang khá sôi động
Chuyển đổi số không phải "chuyện đùa" | |
Việt Nam có lợi thế lớn về chuyển đổi số | |
An ninh mạng - chìa khoá để chuyển đổi số thành công |
Chuyển đổi số, một trong những hướng đi để phát triển doanh nghiệp |
Ngày 18/11, tại hội nghị “Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
“Trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường", ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Nhìn từ thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cũng không nằm ngoài xu hướng này. Vì vậy, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã sớm chú trọng đến chuyển đổi số và coi đây là trọng tâm phát triển. Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng cũng vì thế sôi động hơn bao giờ hết.
Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), nhằm tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng, dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống.
Không chỉ riêng Viet Capital Bank, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng tích cực triển khai chuyển đổi số trong nhiều năm. Gần đây nhất, ngân hàng đã cho ra mắt SeAMobile - ứng dụng ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân với nhiều tính năng ưu việt như chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản, chăm sóc sức khỏe tài chính… Ngoài ra, SeABank cũng thực hiện kết nối thành công với ví điện tử VNPT Pay, kết nối thanh toán qua Samsung Pay…
Trước đó, từ đầu năm 2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã cho ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank và dần trở thành một trong những ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số với nhiều sản phẩm hiện đại. Đầu năm 2018, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ra mắt ứng dụng OCB Omni, Ngân hàng TMCP Nam Á tung ra thị trường robot OPBA và gần nhất là áp dụng phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC)...
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng lần lượt triển khai ứng dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC). Theo các chuyên gia, áp dụng eKYC đem lại hàng loạt lợi ích cho khách hàng và ngân hàng khi vẫn tăng được số lượng khách.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), sau 2 tháng triển khai, TPBank đã ghi nhận gần 50.000 khách hàng mở tài khoản thành công qua eKYC. Đây là kết quả ấn tượng và cũng là minh chứng rõ nét về tiện ích mà ngân hàng đang mang lại cho khách hàng.
Hay tại HDBank, chỉ sau 1 tháng triển khai kể từ ngày 1/8/2020, phương thức xác thực eKYC trên App HDBank đã thu hút gần 15.000 khách hàng đăng ký.
Cùng với xu hướng này, các hình thức thanh toán điện tử đang ngày càng được ưu chuộng hơn trong những năm gần đây cũng tạo nên làn sóng thúc đẩy phát triển ngân hàng số tại Việt Nam cao hơn trước. Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.
Mặc dù, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc - Giám đốc chuyển đổi số PwC Việt Nam cho rằng, một trong những trăn trở lớn nhất là thiếu hụt về đội ngũ trong các ngân hàng để thực thi việc chuyển đổi với những kỹ năng, quy trình và văn hóa hợp tác phù hợp, theo kịp được với các nhu cầu kinh doanh; thay đổi tư duy về khách hàng và trải nghiệm của khách hàng; thay đổi và chuyển hướng các sản phẩm và dịch vụ…
“Định hướng và vượt qua các thách thức này là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số”, Võ Tấn Long nói.