Việt Nam có lợi thế lớn về chuyển đổi số
Ngày 11/11/2020, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid 19.
Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam là sự kiện chào mừng năm Việt Nam ASEAN và tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Diễn đàn cũng hướng tới chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN với chủ đề ASEAN số: Bền vững và bao trùm do VCCI và ASEAN-BAC chủ trì tổ chức tới đây.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 “Thoát hiểm & bứt tốc trong COVID-19”, ông Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế trong đó có Việt Nam.
Việt Nam tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng vừa qua đã trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Ông Chử Văn Lâm cho biết, dù mức tăng trưởng còn thấp sau đại dịch, song Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân luôn cố gắng, đồng lòng tìm nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế để hoàn thành mục tiêu khép lại giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.
Trong bối cảnh đó, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: 6 tháng qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.
“Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Minh Vũ chia sẻ.
Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Việc thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện, kiến tạo thể chế và để hướng tới việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chia sẻ, chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là một trong 3 trụ cột. Khi coi con người là trung tâm có thể tăng GDP lên 2%, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng của người lao động trong 10 năm không được cải thiện thì mỗi năm chúng ta sẽ mất 5.000 tỷ USD. Do đó, kỹ năng không chỉ là vấn đề đơn thuần mà còn là vấn đề để phát triển kinh tế.
Dự báo đến năm 2025, máy móc sẽ ngang trình độ con người, 43% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động, nhưng cũng có 1/3 doanh nghiệp lại mở rộng lao động. Việc cắt giảm lao động sẽ là trào lưu lớn hơn, dự báo sẽ có 40% lao động phải đào tạo lại, 94% doanh nghiệp yêu cầu kỹ năng mới.
Nhu cầu học trực tuyến tăng lên, những người duy trì việc làm có xu hướng học hỏi, những người thất nghiệp tập trung phát triển kỹ năng số, cơ hội cho nguồn nhân lực cho kinh tế số là rất rõ ràng.
Chuyển đổi số là chủ trương đúng, kịp thời. Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh.
“Chúng tôi có 800 trường cao đẳng, trung cấp, trước đây hình thức học trực tuyến xa lạ nhưng khi Covid-19 xảy ra, hình thức học trực tuyến được áp dụng phổ biến. Lúc đầu đúng là có tâm lý lo ngại làm sao để học chất lượng, học sinh chưa được trang bị tốt, nhưng đến nay 60% các trường đã tổ chức học trực tuyến, các ứng dụng cũng sẵn có trên mạng để phát triển”, ông Trương Anh Dũng chia sẻ.