Có đào tạo được người đọc sách?
Nỗi buồn mang tên... thư viện | |
Sách và hơn thế nữa | |
Thư viện vẫn là điểm đến hấp dẫn |
Từ nhìn nhận thực tiễn biến thành hành động
Những năm qua, câu chuyện văn hóa đọc xuống cấp nghiêm trọng đã được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, trên các diễn đàn mạng xã hội, hội thảo, chuyên đề nghiên cứu. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Nếu so sánh với Malaysia - cách đây 10 năm, mỗi người dân đã đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm; Tại các nước châu Âu, con số này còn lớn hơn nhiều.
Rõ ràng, văn hóa đọc ở Việt Nam đang ở mức thấp đáng báo động. Nhiều chuyên gia chỉ ra, đại đa số giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng ở nước ta hiện nay - đối tượng cần đọc sách nhiều nhất để phục vụ cho việc học, cho việc xây dựng sự nghiệp thành công, cuộc sống hạnh phúc trong tương lai và định hình nhân cách sống tốt đẹp, phù hợp - lại không có thói quen đọc sách, không có niềm đam mê đọc sách.
Rất cần khơi dậy văn hóa đọc |
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ) cho biết, văn hóa đọc vẫn đang ở thời khủng hoảng. Bạn trẻ bị kéo theo các trào lưu, thưa vắng người thật sự quan tâm đến sách, đọc sách. Khi ít đọc sách, chúng ta sẽ không thể có vốn ngôn ngữ tốt để biểu đạt trong đời sống, hạn chế tiếp cận tri thức...”. Anh cũng cho biết, mình may mắn được sinh ra, lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống yêu sách vở, chữ nghĩa. Bố mẹ anh đều là giáo viên, dạy khoa học tự nhiên nhưng lại rất yêu văn chương. Anh lớn lên giữa những bức tường đầy sách. “Mẹ tôi bảo ngày xưa, thời kỳ bố mẹ mới cưới, lương của một người là đã đủ chi tiêu cho cả hai vợ chồng rồi, nên toàn bộ lương còn lại dành để mua sách. Nhà nhiều sách đến nỗi sau này, UBND xã thỏa thuận: Nhờ kho sách của nhà tôi làm thư viện chung để phục vụ bà con trong xã, bố tôi trở thành thủ thư, thành một cán bộ xã (lúc đó bố tôi đã về hưu theo chế độ mất sức)”.
Từ nhìn nhận thực tiễn, những năm qua có những con người âm thầm mang sách đến gần người dân, kêu gọi, quảng bá văn hóa đọc, xây dựng các thư viện sách. Một trong những cái tên tiêu biểu là anh Nguyễn Quang Thạch, người có 22 năm trải qua hành trình “sách hóa nông thôn”. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, với 4 thế hệ chuộng văn chương và sách vở. Ngay từ bé, “bạn bè” của Nguyễn Quang Thạch là kho sách quý với hơn 4 nghìn cuốn đủ thể loại khác nhau. “Nhờ đọc sách nhiều mà tôi trở thành một người lãng mạn”, anh Thạch hóm hỉnh nói. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 nghìn tủ sách được anh chung tay góp sức gây dựng, giúp hơn 400 nghìn người dân nông thôn, trong đó có hơn 250 nghìn học sinh được tiếp cận sách bằng với học sinh ở Hà Nội.
Ở Hải Phòng mấy năm trở lại đây nhiều người cũng biết tới tủ sách phục vụ cộng đồng của anh Lê Hải Đoàn (28 tuổi, thị trấn An Lão, huyện An Lão). Hơn 10 năm sưu tầm, tủ sách cá nhân của anh Đoàn hiện có tới 5 nghìn cuốn với nhiều thể loại khác nhau và nổi bật nhất là bộ sưu tập sách thiếu nhi với nhiều cuốn có phiên bản, ngôn ngữ, các lần tái bản khác nhau. Còn lại là các loại sách giáo khoa xưa, sách kỹ năng, văn học, khoa học, tâm lý… cùng một số đầu báo, tạp chí phục vụ nhiều đối tượng độc giả. Ở TP Hồ Chí Minh, thư viện cá nhân của ông Phạm Thế Cường (phường 11, quận Gò Vấp) từ lâu là địa chỉ đỏ của hàng nghìn người dân, sinh viên, học sinh gần xa yêu thích đọc sách. Thư viện của ông Cường thành lập từ năm 2008, sở hữu số lượng sách khổng lồ với hơn 25 nghìn đầu sách các loại, phục vụ hoàn toàn miễn phí.
Trẻ em cần được tạo thói quen đọc sách từ nhỏ |
Định hướng phát triển cho bạn đọc
Hơn một năm nay, Thư viện Hồng Châu ở Mỹ Hào (Hưng Yên) do nhà báo Khúc Hồng Thiện thành lập, cũng trở thành mô hình phát triển văn hóa đọc. Như chia sẻ của anh Thiện, bạn đọc hoàn toàn có thể được định hướng, thậm chí là đào tạo từ ngay trong nhà trường về cách đọc sách sao cho hiệu quả.
Đồng quan điểm ấy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quốc Vương, người trong hơn 2 năm qua đã dành tâm huyết quảng bá văn hóa đọc, cho biết thêm, việc nâng cao văn hóa đọc hoàn toàn có thể được định hướng ngay từ trong nhà trường, các gia đình, giúp cho học sinh có thói quen đọc sách. Anh Vương cũng dẫn ra ví dụ, ở Nhật Bản có Luật Chấn hưng văn hóa đọc năm 2005, trước đó có Luật Khuyến khích văn hóa đọc ở trẻ em từ 2001. Luật pháp nước này quy định, xây một chung cư, một khu phố phải có thư viện, nếu không sẽ bị xử lý. Ngân sách địa phương phải có mục cho văn hóa đọc, đưa vào luật chứ không chỉ là chính sách hay khuyến khích.
Một ý kiến khác từ ông Giản Tư Trung (Viện trưởng Viện Giáo dục IRED) cũng rất đáng lưu tâm. Ông Trung cho biết nên nâng cao lòng hiếu tri, nghĩa là ham hiểu biết và đam mê tri thức. Khi đó, đọc sách sẽ không phải là theo phong trào, mà là một nhu cầu, một khát khao.