Cơ hội hợp tác đầu tư công nghệ thông tin với doanh nghiệp Ba Lan
Theo ITPC, Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Trung - Đông Âu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ba Lan ở châu Á. Trong 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 và năm 2022 đều đạt mức kỷ lục trên 2,5 tỷ USD.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên 841 triệu USD. Riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 236,34 triệu USD. Đây là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ba Lan với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 235 triệu USD.
Đại diện Ba Lan trình bày về cơ hội hợp tác công nghệ thông tin giữa các doanh nghiệp hai nước. |
Ở cấp độ địa phương, quan hệ thương mại giữa TP.HCM và Ba Lan đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Hai bên đã hợp tác song phương về thương mại và đầu tư trong năm 2022 phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 270 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, tính đến tháng 3 năm 2023, có 10 dự án của Ba Lan với tổng vốn đầu tư hơn 469.044 USD, đứng thứ 64/117 quốc gia và vùng lãnh thổ vào TP.HCM. Ngoài ra, đã có các sự kiện thường niên do Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM tổ chức nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, du lịch và trao đổi thương mại.
Tại hội thảo, các công ty của Ba Lan đã tìm hiểu, trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, gồm Công ty TNHH FLUID DESK - nhà phát triển nền tảng BIM; Công ty cổ phần COMARCH - một trong những công ty công nghệ thông tin lớn nhất ở Châu Âu và điều hành các dự án cho các thương hiệu hàng đầu của Ba Lan và trên thế giới trong các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế, bao gồm viễn thông, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, thương mại và dịch vụ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hành chính công, công nghiệp, y tế, cung cấp các nền tảng tiếp thị kỹ thuật số và quản lý; Công ty cổ phẩn Hệ thống tin học PENTACOMP chuyên thiết kế các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến, bảo trì và bảo dưỡng các hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty thuộc nhiều ngành khác nhau; Công ty TNHH ELPROMA ELEKTRONIKA chuyên sản xuất máy đo từ xa M2M không dây, cảm biến IMU sợi quang hiệu ứng SAGNAC, cung cấp bộ định tuyến/modem TSN không dây, máy chủ thời gian PTP/NTP, cảm biến FO…
Đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan cho biết tại Châu Âu, Ba Lan hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số với việc ứng dụng nhiều phần mềm tích hợp liên quan như công dân điện tử, sổ khám bệnh điện tử, quản lý tài chính, ngân hàng và tiền tệ… Nhiều công ty ở Ba Lan đã xuất khẩu các sản phẩm và liên kết với 40 quốc gia trên thế giới trong đó có Đức, Pháp, Mỹ, Phần Lan…
“Nhiều công ty của các nước đã tham gia vào thị trường Châu Âu thông qua cửa ngõ Ba Lan. Chính vì vậy, sự hợp tác giữa hai quốc gia sẽ tạo nên sự khác biệt, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ba Lan và TP.HCM nói riêng. Riêng đối với lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, Ba Lan vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác với Việt Nam”, đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan nói.