Để xâm nhập thị trường thương mại điện tử Hoa Kỳ
Tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá | |
Tảng băng chìm “sàn tranh trực tuyến” | |
Thương mại điện tử "nở hoa" |
Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC cho biết, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trên toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và là quốc gia cung ứng hàng hóa lớn thứ 7 cho Hoa Kỳ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt hơn 20%. Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 75,766 tỷ USD, tăng gần 170 lần so với năm 1995. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt hơn 61,332 tỷ USD, tăng tới 29% so với năm 2018, nhập khẩu từ Hoa Kỳ của Việt Nam đạt gần 14,434 tỷ USD, tăng 13,2%.
Ảnh minh họa |
Trong năm qua, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng tới dương so với năm trước. Hoa Kỳ là một thị trường lớn với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người 65.760 USD/người/năm - cao hàng đầu thế giới (theo World Bank), cùng với văn hóa tiêu dùng đặc biệt, đã tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Tuy nhiên, với một thị trường lớn và nhiều cạnh tranh, việc bán hàng thông qua các kênh trung gian và phân phối truyền thống thường chịu chi phí cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự bùng nổ của Internet và thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp Việt Nam giờ đây có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Theo Statista, thị trường TMĐT Hoa Kỳ không ngừng phát triển trong một thập kỷ qua, doanh số bán lẻ TMĐT ở Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh trong thời gian tới, từ mức hơn 343 tỷ USD của năm 2019 lên hơn 476 tỷ USD vào năm 2024.
Đặc biệt, mức độ hài lòng của khách hàng đối với bán lẻ trực tuyến tại Hoa Kỳ tương đối cao. Tuy nhiên, doanh số bán hàng trực tuyến vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán lẻ ở nước này - khoảng 9,6% (tính đến quý 3 năm 2018). Ước tính, 78% người dùng Internet ở Hoa Kỳ đã mua hàng trực tuyến vào năm 2017. Trong cùng năm đó, 32% người dùng Internet ở Mỹ cho biết họ mua hàng qua Internet ít nhất một lần mỗi tháng và 29% cho biết họ mua sắm trực tuyến một hoặc hai lần mỗi tuần.
Một số chuyên gia cho rằng, xu hướng đang phát triển trong thị trường TMĐT ở Hoa Kỳ là mua sắm trên thiết bị di động ngày càng tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Doanh thu bán lẻ trên thiết bị di động ở Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng từ 156 tỷ USD năm 2017 lên khoảng 420 tỷ USD vào năm 2021. Số lượng người mua sắm trực tuyến sử dụng thiết bị di động ngày một gia tăng và người tiêu dùng kỳ vọng vào những trải nghiệm mua sắm tiện lợi.
Với những điều kiện thuận lợi để phát triển TMĐT tại thị trường Hoa Kỳ, bà Kha Lệ Trinh, Quản lý tài khoản của Amazon Global Selling Vietnam nhận định, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng cơ hội để tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến sang thị trường đầy tiềm năng này.
"Muốn bước chân vào thị trường TMĐT của Hoa Kỳ, đầu tiên doanh nghiệp cần phải lựa chọn sản phẩm mà mình muốn bán trên nền tảng TMĐT dựa vào các công cụ thống kê, phân tích sẵn có, từ đó có thể định hình ý tưởng cho sản phẩm kinh doanh. Bước thứ hai là đăng tải sản phẩm, doanh nghiệp nên chuẩn bị chu đáo thông tin mô tả sản phẩm và chọn một cách thức đăng tải phù hợp - đăng tải theo từng sản phẩm hay nhiều sản phẩm cùng một lúc. Chi tiết đăng tải bằng tiếng Anh. Người bán cần định danh sản phẩm tiêu chuẩn bằng mã vạch thương mại toàn cầu (GTIN) như UPC, ISBN, EAN", bà Kha Lệ Trinh đưa ra lời khuyên
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý, để được phê duyệt, hóa đơn mua hàng phải được phát hành trong vòng 180 ngày gần nhất, bao gồm đầy đủ tên và địa chỉ của nhà bán hàng, nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, hiển thị ít nhất 10 đơn vị sản phẩm được mua. Đối với hình ảnh, trang TMĐT yêu cầu phải chụp sản phẩm thật, chưa qua chỉnh sửa, không phải ảnh do máy tính tạo ra, hiển thị rõ ràng tất cả các mặt của sản phẩm hoặc bao bì, bao gồm số mô hình, tên sản phẩm hoặc cả hai, thể hiện tên và địa chỉ của doanh nghiệp hoặc nhà sản xuất, những thông tin quan trọng phải được viết bằng ngôn ngữ của nước mà sản phẩm được bày bán.
Quan trọng, doanh nghiệp cần phát triển kinh doanh trực tuyến bằng cách tận dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng, sự chuyên nghiệp, dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo và sự lựa chọn chuyển hàng nhanh chóng, tin cậy, đạt tiêu chuẩn quốc tế.