Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 mau qua
Quỹ đầu tư nhận định trái chiều về thị trường Việt Nam | |
Nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn | |
Kinh tế 2 tháng đầu năm: Những dấu trầm từ tác động Covid-19 |
Triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn
Khảo sát của một số hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam gần đây cho thấy, các DN thành viên đang lo ngại dịch Covid-19 sẽ tác động tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nói chung, các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của họ tại Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, đa số cũng cho rằng phản ứng của Chính phủ Việt Nam là kịp thời và có hiệu quả, qua đó hỗ trợ DN của họ trong việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và tới sức khỏe của các nhân viên. Phần lớn DN cũng tỏ ra lạc quan sẽ sớm vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Nhằm đánh giá những tác động của dịch Covid-19 tới cộng đồng DN Đức tại Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) gần đây đã tiến hành cuộc khảo sát với sự tham gia của 84 nhà đầu tư (DN) Đức tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) mới đây cũng thực hiện một cuộc khảo sát các DN thành viên liên quan đến tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (thu hút sự tham gia của hơn 25% DN thành viên). Các khảo sát cho thấy, hai mối quan ngại lớn nhất của các DN đến từ Mỹ và châu Âu hiện nay là: Vấn đề an toàn, sức khỏe (đặc biệt là tại nơi làm việc); Mức độ tác động của dịch bệnh đến hoạt động SXKD của các cộng đồng DN này.
Bệnh nhi 3 tháng tuổi - ca nhiễm Covid-19 nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đã khỏi bệnh và xuất viện ngày 20/2 |
Cụ thể theo khảo sát của AmCham, về tổng thể, các thành viên AmCham cho biết lo ngại về tác động tới sức khỏe của dịch Covid-19. Có 60% các DN trả lời khảo sát cho biết, hiện đang cho phép nhân viên làm việc tại nhà (làm việc từ xa mà không phải đến công ty) và hầu hết các thành viên đều cung cấp dung dịch khử trùng tay tại nơi làm việc...
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham cho biết, mới đây AmCham đã tổ chức một buổi trao đổi thông tin để các thành viên có thể học hỏi từ các chuyên gia y tế và sẽ tiếp tục thông báo kịp thời cho các thành viên diễn biến tình hình dịch bệnh này. AmCham khuyến nghị các thành viên tập trung vào việc duy trì nơi làm việc an toàn và duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian gián đoạn này.
Trong khi đó kết quả khảo sát của AHK Việt Nam cho thấy, 55% DN Đức tham gia khảo sát cho biết đã có các biện pháp phòng chống để ứng phó với dịch Covid-19. Một trong những biện pháp cấp bách mà các DN hiện tại đang thực hiện là dừng toàn bộ các chuyến công tác sang Trung Quốc (47%) và 38% cho biết chỉ dừng một phần các chuyến công tác của công ty. 38% DN tạm thời không tiếp các khách hàng và đối tác tới từ Trung Quốc để đảm bảo phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh. 41% trong số họ hạn chế tiếp các khách hàng vừa đi Trung Quốc về hoặc quá cảnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Các khách nước ngoài khác không đi qua Trung Quốc hoặc không tới thăm Trung Quốc vẫn được chào đón tại DN của họ (52%). Đối với các quốc gia có trường hợp nhiễm bệnh, 38% DN hạn chế các chuyến công tác tới những nước đó.
Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp hạn chế, phòng ngừa của Chính phủ Việt Nam, 44% các nhà đầu tư Đức cho rằng phản ứng của Chính phủ là kịp thời và có hiệu quả, qua đó hỗ trợ DN của họ trong việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và tới sức khỏe của các nhân viên. 36% DN nhận thấy những chính sách đó phần nào hỗ trợ họ trong việc ứng biến với dịch Covid-19. Ngoài ra, các nhà đầu tư Đức cũng đưa ra các kiến nghị nhằm giúp họ nắm rõ hơn và cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh để chủ động có những điều chỉnh kế hoạch hoạt động trong thời gian tới tại Việt Nam.
Thách thức lớn nhất là gián đoạn chuỗi cung ứng
“Dịch Covid-19 bùng phát đang gây lo lắng và sự không chắc chắn cho cả người dân và DN tại Việt Nam. Đối với các DN và rộng hơn là cả nền kinh tế, sự bùng phát của dịch là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tới các ngành và lĩnh vực dễ bị tổn thương ngay lập tức (trực tiếp) như du lịch, giáo dục và đi lại. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực kinh doanh”, ông Adam Sitkoff nhận định.
Đánh giá về tác động đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khảo sát của AmCham cho thấy, khoảng 1/4 các thành viên tham gia khảo sát dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ bị giảm hơn 1,5% do dịch Covid-19; một nửa (50%) dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm đâu đó ở mức giữa của mức dự báo trên; và khoảng 1/4 dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm ít hoặc không có thay đổi.
Hầu hết các thành viên AmCham nhận định còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ước tính doanh thu năm 2020 của họ. Tuy nhiên, trong số các công ty có thể ước tính tác động, 70% cho biết dịch Covid-19 dự kiến sẽ làm giảm doanh thu 10% hoặc ít hơn trong năm nay. Hơn 50% thành viên tham gia khảo sát cho biết, lĩnh vực sản xuất của họ đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng/nguyên liệu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi dịch Covid-19 và 35% số người được hỏi nói rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động toàn cầu của công ty họ.
Các thành viên AmCham cũng nhận định, những thách thức lớn nhất với họ hiện nay là làm sao đảm bảo được nguồn cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu thay thế, cùng với quản lý hàng tồn kho. Một số thành viên cho biết hiện không hoạt động hết công suất nhưng hầu hết các thành viên AmCham trong lĩnh vực sản xuất đều hy vọng rằng họ sẽ hoạt động được gần hết công suất trong vòng hai tuần tới.
Về phía khảo sát của AHK Việt Nam, phần lớn DN Đức tỏ ra lạc quan rằng họ sẽ sớm vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Thực tế trong hơn 2 tuần qua, tại Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm mới Covid-19 trong khi các ca nhiễm đến nay đều đã khỏi bệnh. Cùng với những diễn biến tích cực ở Việt Nam, kỳ vọng dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc sẽ có những cải thiện rõ rệt trong những ngày tới để chuỗi sản xuất và các hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN sớm trở lại bình thường.