Quỹ đầu tư nhận định trái chiều về thị trường Việt Nam
Nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn | |
Kinh tế 2 tháng đầu năm: Những dấu trầm từ tác động Covid-19 | |
Xuất nhập khẩu "ngấm đòn" Covid-19, nhưng xuất siêu nhẹ 100 triệu USD trong tháng 2/2020 |
Theo Quỹ đầu tư Dragon Capital, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến 60 công ty hàng đầu với mức giảm lợi nhuận cả năm khoảng 3%. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất dự kiến là hàng không và du lịch, tiếp theo là năng lượng và vật liệu. Thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất trong quý I năm 2020, nhưng dự kiến sẽ phục hồi vào cuối năm nay và thị trường sẽ vẫn biến động cho đến khi có sự rõ ràng hơn về virus.
Ảnh minh họa |
Theo mô hình của Zhong Nanshan, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc đã phát hiện ra SARS và giúp kiểm soát nó, số ca mắc mới sẽ giảm nhanh vào giữa tháng 2. Nếu lịch sử là chỉ dẫn đáng quan tâm, thị trường toàn cầu thường mang lại lợi nhuận vững chắc sau khi ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. “Do đó, đợt bán tháo gần đây mang lại cơ hội mua vào tốt cho các nhà đầu tư dài hạn, vì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rẻ so với khu vực về khía cạnh tăng trưởng vượt trội”, Dragon Capital nhận định.
Quỹ quản lý hơn 400 triệu USD Pyn Elite Fund cũng cho rằng, việc VN-Index rớt khỏi cột mốc 900 điểm vừa qua là cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư. Các công ty niêm yết của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng thu nhập tốt, trong khi các chỉ số đã được điều chỉnh và sẵn sàng cho bước tiến xa hơn trong một vài năm sau đó. Theo đó, chỉ số P/E của các cổ phiếu nằm trong rổ VNX All Shares Index dự kiến đạt mức 10,5 lần trong năm 2020 và 9 lần trong năm 2021. “Đây là con số rất rẻ với tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng thu nhập”, Pyn Elite Fund nhận định.
Trong khi đó, một quỹ đầu tư hàng đầu khác là Vina Capital lại đưa ra đánh giá thận trọng hơn: “Chúng tôi tin rằng tác động của COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ tồi tệ hơn, do tác động của nó đối với ngành du lịch của đất nước (khoảng 12% GDP) và đối với lĩnh vực sản xuất của nó (khoảng 20% GDP)”.
Lý do Quỹ đầu tư này đưa ra quan điểm tiêu cực này vì cho rằng Thái Lan có rủi ro tương tự với COVID-19 như Việt Nam. Trong khi là mới đây, Thái Lan đã hạ 1,2% mức dự báo tăng trưởng năm 2020. Ở Thái Lan, du lịch đóng góp khoảng 12% GDP, với một phần ba lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, gần giống với Việt Nam, còn lĩnh vực sản xuất đóng góp 25% GDP của Thái Lan, cao hơn một chút so với Việt Nam.
Nhưng lĩnh vực sản xuất của Thái Lan ít phụ thuộc hơn về nhập khẩu từ Trung Quốc một phần vì sản xuất ô tô chiếm một phần đáng kể trong lĩnh vực sản xuất của Thái Lan và nước này đã phát triển một nhóm các nhà cung cấp phụ tùng ô tô địa phương. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ gặp thách thức nhiều hơn khi tỷ lệ phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc đang ở mức cao.
Nhưng ở khía cạnh tích cực hơn là trong trung và dài hạn, virus SARS-CoV-2 sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh hơn tiến trình đa dạng hóa sản xuất và Việt Nam có thể sẽ là một trong ít quốc gia đón nhận các dòng đầu tư dịch chuyển trên toàn cầu. “Thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy các công ty chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chúng tôi tin rằng một khi mối quan ngại về COVID-19 giảm, nó sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác mạnh hơn cuộc chiến thương mại trong việc thúc đẩy các công ty chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam, vì gây tác động tâm lý mạnh mẽ hơn về chuỗi cung ứng đối với giám đốc điều hành của các công ty”, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của Vina Capital nhận định.