Kinh tế 2 tháng đầu năm: Những dấu trầm từ tác động Covid-19
Bước sang 2020, kinh tế Việt Nam khởi đầu năm mới với sự lạc quan và đầy hứng khởi khi 2 năm liếp tiếp trước đó đều đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng trên 7%. Mặc dù vậy, những khó khăn và thử thách đã bất ngờ ập đến ngay từ cuối tháng 1/2020, khi “cơn bão” mang tên Covid-19 đã đem đến những ảnh hưởng tiêu cực, tác động trực tiếp tới hầu hết hết các khu vực và ngành kinh tế.
Dữ liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (GSO) là minh chứng rõ nét, khi cho thấy những động lực, điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 thì sang năm nay đều đã có mức tăng trưởng kém khả quan nhất trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.
Cụ thể, ở lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Việc ghi nhận đà giảm vốn đầu tư từ khu vực kinh tế FDI rõ ràng là một tín hiệu kém khả quan đối với kinh tế Việt Nam khi nhiều năm qua, khu vực này đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.
Đáng lưu ý là xu hướng trên có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn, khi những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... đang phải đối mặt với những rủi ro về kinh tế do dịch bệnh Covid-19 mang lại.
Ngoài việc sụt giảm vốn đầu tư FDI, 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước có mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2014 đến nay.
Theo các chuyên gia, tâm lý lạc quan giúp người dân tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng, mua sắm chính là một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao những năm trước. Nhưng nay, trước những rủi ro từ dịch Covid-19 có thể đem đến, người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn trong các hoạt động chi tiêu và mua sắm.
Do vậy, với việc chưa thể dự báo giai đoạn kết thúc của dịch Covid-19, hoạt động tiêu dùng nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với khu vực sản xuất, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2020 ước tính vẫn tăng khá so với tháng trước và cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất trong tháng 2 năm nay nhiều hơn. Tuy nhiên, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020, IIP chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trong 2 tháng đầu năm còn được phản ánh rõ nét nhất và có những tác động trực tiếp lên ngành công nghiệp không khói - du lịch. Lo ngại từ dịch Covid-19 đã khiến số lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 sụt giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Trong 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020.
Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với ngành du lịch là khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc hiện chiếm trên 70% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Việc Việt Nam hiện đang kiểm soát chặt chẽ khách du lịch đến từ các quốc gia trên càng khiến khó khăn thêm chồng chất đối với ngành này.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch chiếm 8,39% GDP của Việt Nam trong năm 2018. Tốc độ tăng trưởng ở mức cao của ngành này trong những năm qua cũng đã kéo theo đà tăng trưởng mạnh ở nhiều ngành nghề dịch vụ khác như vận tải hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... Nhưng nay, tình hình đã khác.
Liên quan mật thiết đến với du lịch, Tổng giám đốc Vietnam Airline Dương Trí Thành mới đây cho biết, tác động của Covid-19 đã khiến “tích lũy của doanh nghiệp trong 4 -5 năm qua trở về số 0”.
Ông Thành cũng cho biết, tình hình đã xấu đi gấp đôi kể từ giữa tháng 2 đến nay khi số lượng máy bay dư thừa của hãng đã tăng từ 20 -30 chiếc lên 40 chiếc, các hợp đồng cho thuê gần xong cũng phải hủy bỏ.
Những khó khăn và thử thách của Vietnam Airline như trên chỉ là một trong số rất nhiều các khó khăn mà nhiều ngành nghề kinh tế hiện nay đang phải gánh chịu từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việt Nam mới chỉ đang trong những tháng đầu tiên của năm mới 2020, khoảng thời gian đến cuối năm 2020 vẫn còn tương đối dài cho việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế đề ra từ đầu năm.
Mặc dù vậy, việc có đạt được những mục tiêu và vượt qua được những thử thách và khó khăn trên trong thời gian tới hay không, nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào tốc độ và thời gian kiểm soát dịch ở Việt Nam cũng như trên thế giới.