Công nghiệp hỗ trợ khó tận dụng cơ hội dịch chuyển đầu tư
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần sự vào cuộc của các tập đoàn đa quốc gia | |
Tạo cơ hội hợp tác cho công nghiệp hỗ trợ | |
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô |
Ông Nguyễn Phước Hải - Tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, thời gian qua, nhiều DN trong ngành này phải dừng hoạt động hoặc chia ca làm việc 50% và nghỉ 50%, chi phí tăng, đơn hàng giảm sút trầm trọng, nhiều DN không xuất khẩu được và khách hàng đã ngưng nhập khẩu đơn hàng cũ. DN vẫn phải cố gắng duy trì giữ lao động nòng cốt. Nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài, thiệt hại DN vô cùng lớn và DNNVV rất khó tồn tại.
Nhận định của các DN thành viên thuộc Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng không mấy lạc quan. Theo đó, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn, do các nền kinh tế lớn tiêu thụ sản phẩm chế tạo đều có thể còn rất lâu mới hoạt động ổn định trở lại. Việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sẽ làm cho nhiều công ty trong ngành công nghiệp hỗ trợ phải đóng cửa.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch VASI chia sẻ, có nhiều quan điểm cho rằng, sau đại dịch Covid-19, các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3 và đây là cơ hội tốt của Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, cho đến thời điểm này các DN hội viên VASI nhận được rất ít thông tin lạc quan từ thị trường. Một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng này đã giảm dần và dự báo sẽ dừng hẳn.
Thực tế, việc chuyển sản xuất hoặc mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. VASI và các DN hội viên đã tiếp rất nhiều các khách hàng như vậy. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu mà các DN nước ngoài đặt ra. Trong khi đó có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…
Bà Bình phân tích, nguyên nhân chính là quy mô DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức tương ứng… nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, đồng thời sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, số lượng DN công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về chất lượng rất ít, chỉ khoảng 1.000 công ty, so với Trung Quốc là hàng trăm ngàn. Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như vậy cần có nhiều DN đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại với nhiều hạng mục hoàn thiện, DN Việt Nam phải gửi sang Thái Lan hoặc Trung Quốc để gia công rồi gửi về, khiến chi phí đội lên cao thêm.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, DN Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Chi phí cao đến từ chi phí vốn của DN cao, thuế và phí các loại cao do không có ưu đãi, chi phí không chính thức cao (cao hơn so với FDI và DNNN), khấu hao nhiều (hầu hết máy móc mới đầu tư), sản xuất chưa tinh gọn nên lãng phí không tận dụng hết năng lực, thiếu nhiều công đoạn gia công, các DN công nghiệp hỗ trợ phải nhập khẩu hầu hết đầu vào…
Theo các chuyên gia, Covid-19 đã đóng vai trò là chất xúc tác để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch và sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, cho đến nay vẫn chưa có làn sóng lớn rút đầu tư ra khỏi Trung Quốc, do các quốc gia không thể ngay lập tức độc lập hoàn toàn với mạng lưới công xưởng thế giới đã tạo lập trong suốt 30 năm qua. Bên cạnh đó, nếu quyết tâm dịch chuyển thì Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ… hay bất cứ nơi nào là “đất lành”. Cuối cùng, ngay cả khi dòng vốn đã chảy vào Việt Nam thì với năng lực nội tại của ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ rất khó để các DN nội địa tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.