Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần sự vào cuộc của các tập đoàn đa quốc gia
Nhiều năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đang dần trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế với mức tăng trên 9%.
Với sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, tăng tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước. Song theo nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là trình độ công nghệ.
Sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn yếu; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, việc đào tạo nhân lực tại các trường kỹ thuật chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung |
Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ có thêm 1.000 doanh nghiệp CNHT. Để đạt được, Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật CNHT để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong thời gian tới; Tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc, bất hợp lý trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 liên quan đến CNHT. Xây dựng định hướng phát triển CNHT cho một số ngành chính có thế mạnh thay thế sản phẩm nhập khẩu trong thời gian tới.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của CNHT, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Đáng kể nhất là thông qua các chương trình đào tạo về tư vấn viên mà Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức đã có hàng loạt các tư vấn viên Việt Nam tốt nghiệp các khóa đào tạo, trên thực tế đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp CNHT trong việc nâng cao về trình độ, năng lực sản xuất cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung cũng như của các DN FDI, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Tập đoàn An Phát Holdings (APH), với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, hiện là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Hải Dương trong phát triển công nghệ cao, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, đặc biệt là kinh nghiệm hợp tác lâu năm với các Tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Honda, Toyota, Yamaha, Panasonic… Là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung từ tháng 3/2019 và cũng đã trực tiếp tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến của Samsung và Bộ Công thương, An Phát đang nỗ lực đầu tư, cải tiến bài bản để định hướng trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung trong thời gian tới. Hiện An Phát có 2 doanh nghiệp là An Trung Industries và Công ty TNHH Cơ khí Chính xác & Khuôn mẫu Việt Nam (VMC), tập trung vào việc sản xuất linh kiện điện-điện tử và khuôn mẫu.
Nhờ đó, APH đã được UBND tỉnh Hải Dương tin tưởng lựa chọn để làm nòng cốt trong phát triển CNHT của tỉnh. An Phát có nhiều lợi thế khi đóng đô tại một trong các cụm công nghiệp của đất nước - Hải Dương, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, có nền CNHT phát triển, nhiều tiềm năng, đặc biệt là cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày với tổng số khoảng 130 DN tham gia, tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp hỗ trợ đạt trên 15,4%/năm.
Mục tiêu tăng trưởng theo hướng công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trở thành một trong định hướng ưu tiên hàng đầu được chính quyền tỉnh đặt ra từ nhiều năm nay, cộng với sự hỗ trợ tích cực, thiết thực của Công ty Samsung Việt Nam… Đây được coi là lợi thế tuyệt vời để Hải Dương được lựa chọn là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình tư vấn phát triển CNHT được tổ chức cho riêng một tỉnh, với sự kết hợp của 3 bên là trung ương - địa phương - doanh nghiệp, tạo đòn bẩy mạnh mẽ để các doanh nghiệp trong tỉnh có thêm nhiều cơ hội và gia tăng thêm sức mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước mắt, theo biên bản hợp tác giữa Samsung và tỉnh Hải Dương, tập đoàn này sẽ hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp tại Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương xây dựng và ban hành Đề án phát triển ngành CNHT của tỉnh đến năm 2025. Đồng thời, thực hiện rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo và bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng để nhanh chóng hấp thu công nghệ mới vào hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị sẵn có của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế tạo linh kiện, nguyên vật liệu...
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, tính đến nay, đã có 43 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung. Đây là kết quả sau 5 năm thực hiện chương trình hợp tác giữa Samsung và Chính phủ Việt Nam trong phát triển CNHT. Phát huy kinh nghiệm vốn có, Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo nhằm tiếp tục chung tay phát triển ngành CNHT Việt Nam để có tới 50 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 trong năm 2020.