Công ty chứng khoán đầu tư lớn vào trái phiếu
Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index lấy lại được sắc xanh Triển vọng nào cho dòng vốn toàn cầu vào các quỹ cổ phiếu? |
Khẩu vị rủi ro vẫn ở mức cao
Theo báo cáo thị trường của VIS Rating, đến hết tháng 9/2023, các công ty chứng khoán (CTCK) đã đầu tư 68.300 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nhóm các CTCK hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu như: TCBS, VPBanks có tỷ lệ đầu tư TPDN lên đến 50% tổng tài sản, tăng 28-45% so với cuối năm ngoái.
Theo nhận định của VIS Rating, việc tăng đầu tư trái phiếu giúp các CTCK hỗ trợ nhu cầu thanh khoản cho các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái. Tuy nhiên khi đầu tư với mức độ tập trung cao sẽ đối mặt với rủi ro chậm thanh toán và tăng tỷ lệ nợ phải thu, tăng trích lập dự phòng và giảm lợi nhuận của cả năm 2023.
Ghi nhận cụ thể ở một số CTCK có thể thấy khẩu vị rủi ro (được tính bằng tổng tài sản có rủi ro cao và các rủi ro ngoại bảng chia cho tổng tài sản hữu hình) của nhóm CTCK quy mô lớn đang ở mức khá cao.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2023, nhóm 4 CTCK (TCBS, VPBanks, SSI và VNDirect) nắm giữ gần 47.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết. Tại VPBanks, tỷ lệ giá trị TPDN nắm giữ chiếm hơn 50% tổng tài sản. Trong khi đó, tại TCBS tỷ lệ này là 38%.
Theo giới phân tích, với khoảng 192.000 tỷ đồng TPDN chậm thanh toán tính đến cuối tháng 11/2023 (trong đó 70% là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã hoặc chưa niêm yết) thì rủi ro đối với các CTCK đang nắm giữ lượng lớn TPDN là khá rõ và có thể ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ số kinh doanh của cả năm 2023, mặc dù đến cuối quý III tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROAA) của 30 CTCK trên thị trường đã có sự phục hồi nhẹ, tăng từ mức 3,8% lên 4,4%.
Tăng vốn, kỳ vọng vào chu kỳ mới
Theo ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating, hiện thị trường TPDN đang có những biểu hiện tích cực hơn so với các quý đầu năm 2023. Cụ thể, theo thống kê của tổ chức này, số lượng trái phiếu chậm trả gốc và lãi lần đầu đã giảm dần. Ước tính, giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ tiếp tục giảm còn 19.000 tỷ đồng trong quý IV/2023. Đến quý I/2024 chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng. Các quý sau đó số lượng TPDN có rủi ro cao sẽ tăng lên nhưng sẽ không vượt quá 13.000 tỷ đồng vào nửa cuối năm 2024.
Ông Minh cho rằng, từ đầu 2024, với hiệu lực thi hành của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, thị trường sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng đang giảm sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với nền lãi suất thấp, giảm thiểu rủi ro đáng kể cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, hiện nay một số CTCK tiếp tục xu hướng tăng vốn. Nhóm các công ty quy mô lớn như SSI, VNDirect, VPBanks, LPBS, TCBS, MBS… đều đã thông qua các phương án tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng (chẳng hạn SSI tăng từ 15.000 tỷ đồng lên 19.544 tỷ đồng; VNDirect tăng từ 12.178 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng; LPBS dự kiến tăng từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng…).
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK VNDirect cho rằng, làn sóng tăng vốn sẽ tiếp tục diễn biến mạnh, lôi cuốn nhiều CTCK quy mô vừa tham gia trong các quý đầu 2024. Nguồn vốn tăng thêm sẽ giúp các CTCK bổ sung năng lực cho vay, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu. Từ đó đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nhất là trong bối cảnh các luật liên quan tới thị trường bất động sản đang được sửa đổi, tạo cơ hội phục hồi giao dịch nhà đất các phân khúc và khôi phục dòng tiền cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, gián tiếp giảm thiểu rủi ro thanh toán cho các CTCK.