Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay
Nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp | |
Giúp người lao động bị ảnh hưởng trong mùa dịch | |
Tích cực đồng hành cùng khách hàng |
Làn sóng giảm lãi suất cho vay
Trong cuộc họp của NHNN với 20 TCTD (chiếm hoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) vào ngày 31/3 vừa qua, tất cả các TCTD đã đồng thuận, nhất trí cao với việc sẽ giảm 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. Đây là một động thái nữa từ phía hệ thống ngân hàng trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực và hiệu quả đối với khách hàng DN, cá nhân, góp phần chung tay cùng cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thực hiện cam kết của mình, ngay từ ngày 1/4/2020, hàng loạt ngân hàng công bố về các gói tín dụng hỗ trợ cũng như giảm mạnh lãi suất cho vay, có nhà băng giảm tới 4,5%/năm.
Theo đó, bốn NHTM Nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank đều cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngân hàng này đã kích hoạt gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất vay giảm 2-2,5% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa, với mức áp dụng chỉ 4,5-5%/năm - thấp hơn nhiều so với mức lãi suất huy động hiện nay.
Vietcombank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng có quy mô tới 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm |
Tương tự, từ 1/4/2020, VietinBank cũng tiếp tục triển khai chương trình tín dụng có quy mô tới 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã triển khai trước thời điểm có dịch. Agribank cũng dành 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khách hàng thuộc đối tượng chương trình được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (với khoản vay VND) và thấp hơn 0,5% (với khoản vay ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại. Ngày 2/4/2020, BIDV cũng công bố giảm đến 2% lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho cả dư nợ tín dụng hiện hữu và cả nhu cầu cho vay mới.
Việc giảm lãi suất cho vay cũng được khối các NHTMCP hưởng ứng tích cực. SHB vừa ghi thêm tên mình vào danh sách những NHTMCP giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB thông tin, SHB triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. Bên cạnh đó, SHB còn miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ cho các khách hàng hiện hữu của SHB gặp khó khăn bởi dịch.
VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là DN lớn, DNNVV, DN siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Đại diện phía VIB cho biết, ước tính sơ bộ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ sẽ lập tức được hưởng ưu đãi này.
HDBank cũng triển khai gói giảm lãi suất vay với mức từ 2-4,5%/năm, áp dụng cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước. Theo đó, nhà băng này giảm mạnh lãi suất cho các khoản giải ngân mới mà không cần khách hàng phải chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; đồng thời miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.ACB cũng vừa triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng (giai đoạn hai của gói vay 35.000 tỷ đồng đang thực hiện từ đầu tháng 2), lãi suất vay thấp hơn đến 2% so với mặt bằng lãi suất vay của năm 2019. Nhiều ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất cho vay đến 2% cho khách hàng như: VPBank, Nam A Bank...
Nỗ lực tiết giảm chi phí
Tại cuộc họp với các NHTM mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng biểu dương các ngân hàng trong việc triển khai thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý, dù còn nhiều khó khăn, song các NHTM vẫn phải lưu tâm đến việc cắt giảm chi phí hoạt động, bố trí lãi suất đầu vào hợp lý để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN, trong đó yêu cầu các TCTD chủ động rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, đặc biệt chi phí lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, và trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Chia sẽ với phóng viên về những biện pháp tiết giảm chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết: “SHB điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, giảm lợi nhuận năm 2020 với mức giảm tối thiểu 1.000 tỷ đồng; đồng thời các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10%-30% tùy theo mức thu nhập”. Bên cạnh đó, SHB cũng sẽ quyết liệt rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.
Hay như ở VietinBank, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cũng khẳng định sẽ chủ động tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tinh gọn quy trình thủ tục, hồ sơ để nâng cao năng suất lao động… tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN.
Đại diện MB cũng cho biết, ngân hàng sẽ tinh gọn nhân sự, bộ máy tại Chi nhánh và Hội sở, duy trì nhân sự như năm 2019. Song song với đó sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Ngân hàng này cũng sẽ tối ưu hệ thống mạng lưới Chi nhánh/PGD để tiết giảm chi phí; ưu tiên số hóa các luồng giao dịch qua kênh ngân hàng tự động ATM, CDM, Autobank. Cũng để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho hay, ngân hàng tung ra nhiều chương trình ưu đãi lãi suất tiền gửi cho khách hàng gửi tiền/cho vay online, ưu đãi cho khách hàng giao dịch, mua hàng trực tuyến...
Tuy nhiên, ngân hàng cũng là một DN và cũng đang hứng chịu rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Bởi vậy, phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 3, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đề nghị các TCTD cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập DN. “Các TCTD vừa qua tham gia rất trách nhiệm, rất gương mẫu trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, cần được xem xét để giãn việc nộp thuế thu nhập DN, tạo cho TCTD có dòng tiền, có thanh khoản để hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết.