Cuộc hành trình của măng đắng
“Mình không ăn nổi măng đắng đâu” – Không ít người miền núi bây giờ vẫn bảo thế. Quả vậy. Ở đời vẫn thế. Mấy ai ưa được vị đắng. Nhưng măng đắng thì khác. Nó nhất thiết phải có vị đắng chứ.
Ở miền núi xứ Nghệ có loài tre mọc lên cây măng đắng, thân thẳng tắp, cao vút. Măng đắng có nhiều giống loài. Ở độ cao trên ngàn mét, không khô hạn lắm là nơi sinh tồn của loài tre cao vút mỗi cây măng có thể nặng đến vài ký, thân tre thẳng tắp, rêu phong. Người Thái gọi măng đắng là “nó khôm” hay “nỏ khốm”, tùy âm vực vùng miền.
Măng đắng kể ra cũng có cái lạ. Ra giêng, hễ có tiếng sấm đầu năm là đội đất nhoi lên. Người miền núi cao biết rõ quy luật này, chờ tiếng sấm rồi vác cuốc đi đào. Măng đắng là thức ăn trong bữa cơm nơi sơn cước. Măng đắng theo chân thương lái đến các khu chợ, thành một mặt hàng bản địa.
Người Thái Tây Bắc xem măng đắng và hoa ban là những thứ sản vật thiêng liêng, đến nỗi dân gian sáng tạo nên một câu chuyện sự tích. Chuyện rằng: Chàng Khốm và nàng Ban là một cặp đôi yêu nhau say đắm. Khổ nỗi, người cha đã hứa gả cô gái cho con của “phia” mường. Ngày đón dâu, đôi trẻ rủ nhau trốn vào rừng sâu để được ở bên nhau. Họ lạc đến miền núi cao rồi kiệt sức, ôm nhau nằm chết. Cô gái hóa thành cây ban có hoa trắng muốt. Chàng trai hóa thành cây tre thẳng tắp, mọc lên loài măng đắng. Đến chết họ vẫn được ở bên nhau.
Nhưng cổ tích cũng có hai mặt đối lập, đó là lãng mạn và nỗi đắng cay. Để được ở bên nhau, đôi trẻ phải chấp nhận chọn cái chết. Và con đường của cây măng đắng cũng là những chặng gian nan, dù không đến nỗi cay đắng như trong cổ tích.
Kỳ thực mà nói, cây măng đắng cũng có vị ngọt. Đó là lúc mầm măng chưa lên khỏi mặt đất. Để săn tìm măng ngọt, vốn được thị trường ưa thích hơn, những người bản địa khi tìm đến rừng măng phải bới tìm từng gốc tre. Họa hoằn lắm mới gặp một cây măng. Cuộc tìm kiếm khiến người ta liên tưởng đến những phu quặng đãi cát tìm thiếc hay một ngư phủ với chiếc cần câu nơi sông vắng. May mắn thì kiếm được kha khá. Lắm khi lại về không. Người bản địa gọi công việc này là đi đào măng.
Vào rừng mới biết người đào măng đông như đi hội. Hết buổi sáng, một phụ nữ có thể kiếm được vài chục ký măng, đủ tiền để đong gạo hay mua chiếc áo đẹp cho con trẻ. Có người còn cõng theo con nhỏ lên rừng. Kẻ đào, người gùi. Những gốc tre bị xới tung trơ màu đất đỏ.
Cây măng có vị đắng dễ kiếm hơn vì thế mà giá cũng rẻ bèo. Người mua có thể nhận ngay ra măng đắng bới vỏ màu xanh lá. Đó là những cây măng trước khi bị đào đi đã được tận hưởng nắng trời. Măng ngọt, chưa nhoi khỏi mặt đất đã bị đào lên, thường chỉ có màu đỏ sẫm.
Xế trưa, măng theo người xuống chợ. Người phố thị mua về một cây măng sẽ chẳng mấy ai nghĩ đến con đường đi của nó từ rừng ra chợ. Cuộc hành trình của măng đắng không đẹp như cổ tích mà là một cuộc mưu sinh.
Với riêng tôi, cây măng đắng mới là sản vật thứ thiệt. Nó thực sự là thứ mà thiên nhiên với một điều đặc biệt nào đó đã tạo ra hai vị ngọt và đắng khác nhau, dù cùng một loài măng tre.