Đà Nẵng đẩy mạnh kết nối kinh tế với Nhật Bản
Theo đó, hiện các nhà đầu tư đến từ Xứ sở mặt trời mọc đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào TP. Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương. Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tập trung vào các dự án chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, IT, giáo dục, y tế, dịch vụ và du lịch...
Một số dự án nổi bật Nhật Bản đã đầu tư vào Đà Nẵng có thể kể đến như: Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel Resort; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Việt Hoa; Công ty Mabuchi Motor; Công ty Daiwa Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng... Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng giúp tạo việc làm cho khoảng hơn 40.000 lao động.
Theo đại diện Công ty Kangaroo, thời gian gần đây Kangaroo đã mở rộng hoạt động tại TP. Đà Nẵng với một văn phòng chi nhánh và nhiều điểm bán lẻ phủ khắp thành phố. Đà Nẵng không chỉ cung cấp một môi trường đầu tư sôi động, mà còn tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận thị trường kinh doanh đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào Đà Nẵng với hơn 1 tỷ USD |
Hiện, Nhật Bản cũng là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Đà Nẵng với kim ngạch xuất khẩu đạt 730 triệu USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố; kim ngạch nhập khẩu 440 triệu USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu thành phố trong năm 2022. Hiện, Đà Nẵng cũng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản gồm: Kawasaki, Sakai, Yokohama, Kisarazu. Ngoài ra, địa phương còn có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khác ở Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch thành phố bên bờ sông Hàn với tốc độ tăng trưởng ổn định. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Nhật Bản được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch địa phương, với sự tăng trưởng ổn định. Năm 2019, tổng lượt khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đạt hơn 183.000 lượt khách, tăng trưởng gần 200% so với năm 2015 (92.000 lượt). Sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với chính sách mở cửa của Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch rất lớn giữa hai nước, trong đó có Đà Nẵng. Điều này, kéo theo sự phát triển của ngành du lịch.
Cầu Mikazuki trên đường ven biển Nguyễn Tất Thành được gọi Cầu hữu nghị Nhật Bản - Đà Nẵng. |
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng đã đánh giá, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm, như là một điểm đến đầu tư ra nước ngoài tiềm năng của doanh nghiệp Nhật. Đặc biệt, khu vực miền Trung, với trung tâm là TP. Đà Nẵng đang nhận được sự quan tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp Nhật. Bởi, giá thuê khu công nghiệp vẫn còn rất tương đối, dễ dàng đảm bảo được nguồn nhân lực và môi trường đầu tư tốt…
Được biết, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ thu hút 7 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030, đạt khoảng 4 tỷ USD. Thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, để lấy lại sức hút với dòng vốn FDI. Trong đó, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin và tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Đà Nẵng…
Tiếp tục đẩy mạnh kết nối kinh tế với Nhật Bản, trong buổi làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhân chuyến thăm và làm việc của Đại sứ tại địa phương, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khẳng định, thành phố cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, du khách Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, du lịch tại thành phố. TP. Đà Nẵng cũng sẽ ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương mở rộng quan hệ hợp tác nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản.