Đại biểu Quốc hội: Chỉ ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu là chưa đủ
Lãi suất không còn là cản trở
Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang), vốn đầu tư cho nền kinh tế trong 9 tháng năm 2014 tăng 10,3% so với cùng kỳ (833,9 nghìn tỷ đồng). Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng 7,26%, tốc độ tăng tín dụng đã có những cải thiện đáng kể và dự kiến cả năm có thể tăng 12-14% theo kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề nguồn vốn để phục vụ phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cho rằng, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt để tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh và mạnh, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, vấn đề về lãi suất không còn là cản trở trong đầu tư vốn cho nền kinh tế.
Ảnh minh họa
“Vốn tín dụng ngân hàng cũng đã tập trung hướng tới 5 lĩnh vực ưu tiên và nhiều chính sách đã được đề xuất, triển khai nhằm hỗ trợ các lĩnh vực thế mạnh, những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, trong đó đặc biệt là nông nghiệp nông thôn như thóc, gạo, chăn nuôi, thủy sản, tái canh cà phê, các chương trình tín dụng hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các mô hình liên kết chuỗi sản phẩm trong nông nghiệp...”, vị đại biểu của Hà Giang cho biết và nhấn mạnh: Mặc dù số tiền hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình này không lớn, chủ yếu từ nguồn các NHTM huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, song đã có những tác động tích cực tới nền kinh tế.
“Tuy nhiên, để góp phần tăng cầu tín dụng trong thời gian tới và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014, ngoài những nỗ lực của bản thân ngành ngân hàng, tôi đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm của DN. Qua đó, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế. Các DN cũng cần đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, nỗ lực trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đề nghị.
Kết quả bước đầu về xử lý nợ xấu
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm chính là xử lý nợ xấu. Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, sau hơn một năm đi vào hoạt động Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua được 86.000 tỷ đồng nợ xấu. Bên cạnh đó, các NHTM cũng đã tự trích lập 78.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu. "Đây là nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng trong việc dồn sức xử lý từ nội lực của mình", ông Phong nhấn mạnh. Tuy nhiên, điểm thắt của vấn đề là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu. Chính phủ nên quan tâm 2 nút thắt để xử lý nợ xấu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cho biết thêm, NHNN và các TCTD đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nhờ đó đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại. Nhờ đó, DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn. Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả DN và NH.
Tuy nhiên, chỉ với những cố gắng của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN, đặc biệt trong việc phục hồi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... Nếu các giải pháp nêu trên không được triển khai đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn.
Quang Cảnh