Đại biểu Quốc hội: Tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu được đánh giá là ấn tượng
Ảnh minh họa |
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu được đánh giá là rất ấn tượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 4/2015 hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm 15 tổ chức, trong đó có 9 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, mua lại theo đúng quy định của pháp luật. “Việc xử lý nợ xấu đang tiến dần đến hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% trong năm 2015” – đại biểu Cương tin tưởng.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cũng liệt kê một số nhiệm vụ của ngành Ngân hàng đã làm được, đó là các tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát, tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. “Kết quả đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả nổi bật, tích cực theo lộ trình” – Vị đại biểu của đoàn Hòa Bình nói.
Còn theo đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân tích, việc điều hành tỷ giá với biên độ không quá 2% của NHNN trong năm 2015 là phù hợp để hỗ trợ xuất khẩu và giúp cho doanh nghiệp chủ động trong việc lên phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
Phát biểu về lĩnh vực cho vay của hệ thống ngân hàng vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, hệ thống ngân hàng đã có những giải pháp tích cực để hạ lãi suất. Không chỉ các NHTM mà Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có những chính sách hạ lãi suất cho các đối tượng học sinh, sinh viên, hộ nghèo. Đây là những dấu ấn, niềm tin giữa người dân với Chính phủ đã gần lại.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết thêm: Qua tiếp cận với NHNN và các NHTM ở Quảng Bình, các doanh nghiệp vay cho thấy, thời gian qua ngành Ngân hàng có rất nhiều giải pháp, có nhiều công văn chỉ đạo để triển khai thực hiện việc cho vay. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai Nghị định 67 trong cho vay.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng cho biết, theo đánh giá của ngành Ngân hàng, từ năm 2012 đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 17,2% về mức 3,59%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh không dùng tiền từ ngân sách Nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng đã tiết kiệm tối đa chi phí, chấp nhận hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn, đã tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, tính khả thi của VAMC đã góp phần xử lý nhanh một lượng nợ xấu của các tổ chức tín dụng thông qua phát hành trái phiếu và từng bước xử lý nợ đã mua thông qua việc bán nợ, bán tài sản bảo đảm, cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay, phối hợp tổ chức tín dụng thu hồi nợ.
“Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tôi cho rằng mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 là khả thi” – đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhấn mạnh.