Đắk Lắk nỗ lực cải thiện chỉ số PCI
Hà Nội phấn đấu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI Đắk Nông nỗ lực cải thiện chỉ số PCI |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, kết quả đạt được qua các năm chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng mà tỉnh đặt ra. Năng lực cạnh tranh của Đắk Lắk được đánh giá chưa có nhiều bứt phá, tăng giảm không ổn định về điểm số và thứ hạng. Kết quả điểm số PCI năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk đạt 64,46 điểm, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,55 điểm và 9 bậc so với năm 2022.
Những điểm sáng tích cực trong môi trường kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk là chi phí không chính thức dần được cải thiện; thủ tục gia nhập thị trường, nhất là cấp phép kinh doanh thuận lợi hơn; cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến dần đi vào thực chất và được người dân, doanh nghiệp đón nhận; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại tỉnh cũng tốt lên.
Đắk Lắk cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh |
Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng đặt ra những vấn đề cần lưu ý như: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự trên địa bàn không ổn định; hầu hết điểm số các chỉ số thành phần chiếm trọng số lớn trong PCI của tỉnh đều ở mức thấp, chưa có sự cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể so với các tỉnh, thành khác (trừ tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức), vẫn còn 3 chỉ số thành phần có điểm số ở mức thấp, dưới 6 điểm là đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch…
Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, hàng năm sau khi có sự công bố thứ hạng PCI, Đắk Lắk đã tăng cường thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn. Sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tác động mạnh mẽ đến các sở ngành, qua đó góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đã giúp địa phương cải thiện rõ nét thứ bậc PCI năm 2023, tạo được sức hấp dẫn về môi trường kinh doanh, thu hút được các nhà đầu tư đến địa bàn làm ăn.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Đắk Lắk cần có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cải thiện về thủ tục hành chính, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự trong sạch, thông thoáng, xây dựng lòng tin cho doanh nghiệp. Đồng thời, để phát huy hết tiềm năng của địa phương, tỉnh cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không ngừng nâng cao chỉ số PCI, tăng chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cả về quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo...
Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk khẳng định, trong thời gian tới, để cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, Đắk Lắk đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, giải pháp hàng đầu là xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng thực thi chính sách, pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp; nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch thông tin cho các doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng; chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao...