Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt
Chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả không chỉ dựa trên vận hành và chi phí | |
Đầu tư kho vận nối lại chuỗi cung ứng | |
Đứt gãy chuỗi cung ứng có thể còn kéo dài |
Thời gian qua, các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc liên kết tiêu thụ hàng hóa cũng như cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, qua đó vẫn đảm bảo chuỗi cung ứng trong dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong suốt thời gian dịch phức tạp, có thời điểm 70 - 75% thị trường liên quan đến các lĩnh vực thương mại truyền thống phải đóng cửa, sức nặng dồn lên Saigon Co.op và các đơn vị phân phối hiện đại, nhưng các đơn vị đều nỗ lực duy trì các hoạt động kinh doanh, phục vụ thị trường và khách hàng. Các đơn vị cũng không tăng giá, không thực hiện những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì chuỗi cung ứng hàng Việt trong suốt thời gian vừa qua. Khi dịch bệnh phức tạp, các nhà phân phối bán lẻ hiện đại không thể hoạt động như cách thức bình thường. Trong tình hình đó, sự hỗ trợ hiệu quả, tối đa từ chính quyền, từ bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết. Doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ một cách thực chất; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, chính quyền, bộ, ngành. Chính vì vậy Saigon Co.op luôn duy trì được sự kết nối đảm bảo cung – cầu hàng hóa giữa các địa phương mặc dù trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh.
Các doanh nghiệp đang rất nỗ lực để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa |
Đặc biệt khi lưu thông giữa các tỉnh bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội, các nhà cung cấp, các đối tác, bạn hàng, các nhà phân phối, dịch vụ của Việt Nam vẫn nỗ lực hết mình để đảm bảo đủ nguồn cung các mặt hàng. Nỗ lực này không những duy trì được chuỗi liên kết, mà còn nâng cao vị thế hàng Việt trong lòng người dân. Hiện nay, trong tình hình mới, nhằm bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, trong thời gian tới, thách thức đối với chuỗi cung ứng hàng Việt là rất lớn bởi tình hình dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, để đảm bảo mối liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng hàng Việt, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, các kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc... Cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt; tránh sự chồng chéo, cục bộ giữa từng địa phương, từng ngành trong phát triển chuỗi giá trị thương hiệu Việt nói chung…
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã và đang chủ động đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm… bảo đảm nguồn cung cho thị trường thủ đô, góp phần quảng bá cho nông sản các vùng miền trên cả nước. Thành phố đã phối hợp tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 20 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng; kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm khi xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời.
Có thể nói, việc đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành. Theo bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành khác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...) đã tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số. Cùng với đó, bộ lồng ghép hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước thông qua các chương trình thuộc Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”, Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương năm 2022. Trong đó thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm do các tỉnh, thành phố tổ chức trong các mùa vụ trái cây, nông sản. Hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng Thủ đô; triển khai ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tham gia… Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15-20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội khi dịch bệnh được kiểm soát; hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |