Đầu tư kho vận nối lại chuỗi cung ứng
Để thông suốt hoạt động logistics | |
Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy vận chuyển cao cấp tăng cao | |
Container - Mặt hàng “nóng nhất” hành tinh |
Hơn 620 ha mở rộng các cụm cảng
Tháng 10/2021, TP.HCM đã thông qua Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025 và định hướng đến 2030 với mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% và đến năm 2030 đạt 20%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%.
Theo đề án này, thành phố sẽ dành ra khoảng 623 ha đất để mở rộng và xây mới các trung tâm logistics tại: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức); Tân Kiên (Bình Chánh); Hiệp Phước (Nhà Bè); Củ Chi và dự kiến mở thêm một trung tâm tại xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn.
Việc mở rộng các trung tâm logistics TP.HCM kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu kho vận cho gần 1,9 tỷ TEU hàng hóa xuất khẩu mỗi năm |
Trước mắt, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 dự kiến sẽ hoàn tất đấu thầu mời gọi đầu tư tại trung tâm logistics khu công nghệ cao trên diện tích 5-6 ha, năng lực thông quan hàng hóa giai đoạn 2021-2025 là 150.000 tấn. Đến năm 2023, hoàn thành chuẩn bị đầu tư trung tâm logistics Cát Lái trên diện tích 60 - 100 ha, năng lực thông quan hàng hóa 1,5 -1,8 triệu TEU; giai đoạn sau sẽ nâng năng lực lên 3,1 - 3,5 triệu TEU; Trung tâm logistics Linh Trung sẽ kết nối với khu chế xuất Linh Trung… Phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư các trung tâm logistics nhóm II vào năm 2025 và nhóm III vào năm 2030. Đến năm 2025, hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, khu dữ liệu tập trung và trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ logistics.
Theo tính toán của Sở Công thương TP.HCM, để đầu tư các trung tâm logistics như kể trên, tổng nhu cầu vốn cần huy động trong giai đoạn tới là rất lớn. Riêng chi phí đầu tư cho hạ tầng sẽ cần tối thiểu khoảng 86.300 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả chi phí công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực thì sẽ cần tối đa khoảng 95.800 tỷ đồng.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho rằng, hiện tại thành phố có khoảng trên 1.500 kho hàng nhưng phát triển tự phát và khai thác chưa hiệu quả. Hệ thống cảng cạn (ICD) đang phải khai thác vượt thiết kế và 5/6 cảng ICD đã có quyết định di dời nên hoạt động đơn lẻ và kết nối yếu. Trong khi đó, ở khâu vận tải biển, các cụm Tân Cảng Cát Lái đang bị quá tải, cụm Tân Cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp thì quy mô nhỏ và sản lượng không đáng kể. Vì vậy, nếu không kịp thời đầu tư chuyển đổi công năng và mở rộng các trung tâm logistics hiện hữu thì rất khó đảm bảo vận chuyển hàng hóa kịp thời cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu, kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải để đi các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
Đa dạng các hình thức huy động vốn
Theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hiện nay việc tắc đường vào các cảng biển là yếu tố gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các sở, ngành TP.HCM cần nhanh chóng tập trung vốn để mở rộng, xây mới các tuyến đường kết nối vào các cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu (TP. Thủ Đức), mở rộng các tuyến đường Lưu Trọng Lư, Huỳnh Tấn Phát tại quận 4 và quận 7 để kết nối vào cảng Sài Gòn và các cảng dọc sông Soài Rạp.
Nguồn vốn để đầu tư mở rộng tuyến đường này, theo Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM, hiện ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Trong khi hình thức PPP không thể áp dụng được vì đây là tuyến đường hiện hữu, không thể thu phí BOT. Để thu xếp vốn thời gian qua, TP.HCM đã thông qua nghị quyết về thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển, dự kiến áp dụng từ đầu tháng 7/2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài, chính sách này đã được lùi lại và sẽ áp dụng từ tháng 4/2022.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM cho rằng, nếu được triển khai, mỗi năm nguồn thu này có thể thu được khoảng 3.000 tỷ đồng, trong vòng 5 năm tới cộng với phần đầu tư của ngân sách là có thể cơ bản hoàn thành các tuyến đường kết nối cảng biển.
Riêng ở góc độ đầu tư trực tiếp vào hệ thống cảng biển, hiện tại nhu cầu vốn để xây mới các cảng trung chuyển - ICD (TP.Thủ Đức), Trung tâm logistics khu công nghệ cao, Trung tâm logistics Củ Chi, cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ (quận 7), TP.HCM cần khoảng 8.670 tỷ đồng. Hiện ngân sách TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 870 tỷ đồng. Vì thế, hợp tác PPP sẽ là yếu tố quan trọng để kêu gọi vốn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân trong nước và các tập đoàn nước ngoài.
Thực tế, kỳ vọng gọi vốn PPP vào logistics tại TP.HCM thời điểm này là khả quan. Bởi từ đầu năm đến nay, khối doanh nghiệp FDI hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ kho vận đang là điểm sáng trong thu hút vốn nước ngoài. Tại các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu, làn sóng đầu tư vào logistics khá nhộn nhịp với các dự án lớn tại trung tâm logistics Cái Mép Hạ (Vũng Tàu), trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2; Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 (Bình Dương) Khu công nghiệp Xuyên Á (Long An). Tại TP.HCM, trong quý III vừa qua Tập đoàn BW Industrial (Hà Lan) cũng đã rót 80,6 triệu USD để xây dựng kho bãi cho thuê tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; Tập đoàn Emergent Logistics Development của Singapore trước đó cũng đã được cấp phép đầu tư dự án Trung tâm Logistics ECPVN Sài Gòn 1 với tổng vốn đầu tư 34,1 triệu USD…
Theo các chuyên gia tập đoàn quản lý bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle, dự kiến trong 5 năm tới bình quân mỗi năm các nhà đầu tư sẽ rót 60 tỷ USD vào lĩnh vực công nghiệp hậu cần tại châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư rộng mở và kế hoạch kêu gọi vốn cụ thể cho các dự án trung tâm logistics lớn, có thể trong vài năm tới TP.HCM sẽ là điểm sáng thu hút nước ngoài vào các dự án công nghiệp hậu cần. Từ đó, các mục tiêu tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics tại TP.HCM đạt khoảng 20%, tỷ trọng đóng góp cho GRDP đạt 12% và kéo giảm chi phí logistics 15% so với GDP quốc gia đến năm 2030 là có cơ hội để hiện thực hóa.