Đảm bảo khách hàng được hưởng tiện ích hơn
Thẻ chip chuẩn EMV: Tổng quan những điều cần biết | |
Chính thức ra mắt thẻ chip nội địa |
Ông Đào Minh Tuấn |
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa tác động thế nào tới khách hàng, thưa ông?
Trước hết phải khẳng định việc thay đổi công nghệ trong hệ thống ngân hàng, ở đây là công nghệ thẻ, là không được làm ảnh hưởng tới khách hàng, kể cả việc sử dụng thẻ cũng như các dịch vụ ngân hàng cung cấp; thậm chí phải mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho khách hàng.
Với việc chuyển đổi này, khách hàng đang dùng thẻ từ chuẩn nội địa thì nay bắt đầu nhận được thẻ chip theo chuẩn chip nội địa Việt Nam sẽ không có cảm nhận về sự thay đổi trong sử dụng, nhưng sẽ có cảm nhận thay đổi về dịch vụ được hưởng từ ngân hàng nhiều hơn. Mục tiêu đầu tiên khi chuyển đổi chuẩn này là nâng cao tính bảo mật. Bởi đặc tính quan trọng của thẻ chip là mức độ an ninh, an toàn, chống giả mạo hơn thẻ từ, nên người dân có thể yên tâm hơn nhiều với việc sử dụng thẻ chip nội địa.
Chúng tôi cũng đang có những khuyến nghị với Chính phủ thông qua NHNN, Hiệp hội Ngân hàng về việc khuyến cáo các đơn vị cung cấp các dịch vụ tiện ích công như các trung tâm hành chính công, các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, mua bán hàng hoá dịch vụ nhỏ lẻ... cũng áp dụng chuẩn này để đảm bảo theo khẩu hiệu: Một quốc gia - một thẻ. Làm sao để chỉ với một thẻ ngân hàng phát hành, khách hàng có thể sử dụng đa dịch vụ, tiết kiệm chi phí, tiện lợi cho người sử dụng.
Chi phí chuyển đổi thẻ từ sang chip khá cao. Với chủ thẻ, phí chuyển đổi sẽ được tính thế nào, thưa ông?
Đúng vậy, chi phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nói chung không nhỏ. Tuy nhiên chúng ta có lợi thế của người đi sau. Ví dụ cách đây khoảng 10 năm thì giá của một thẻ chip cao hơn rất nhiều so với thẻ từ, nhưng hiện nay đã giảm đi khá nhiều. Thêm nữa, hầu hết các ngân hàng thời gian qua đã chủ động có sự đầu tư với các thiết bị chấp nhận thẻ có tương thích cả thẻ từ và thẻ chip nên việc chuyển đổi cũng không phải vấn đề quá lớn.
Các ngân hàng sẽ đều phải tính toán cân nhắc trong việc áp dụng mức phí cho khách hàng, quan trọng là đảm bảo việc chủ thẻ khi thay thế thẻ mới phải được hưởng tiện ích lớn hơn. Nếu ngân hàng có khả năng cung ứng nhiều dịch vụ, sản phẩm tốt hơn cho khách hàng thì có thể xem xét áp dụng thu phí cho phù hợp để trang trải chi phí đầu tư. Còn hiện chưa có chủ trương thay đổi thẻ ngân hàng phải thu phí.
Theo lộ trình NHNN đưa ra thì đến cuối năm nay, ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Các ngân hàng cần hành động thế nào để đạt mục tiêu này?
Thông tư 41/2018/TT-NHNN đã quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa. Theo đó, đến 31/12/2019, các NHTM thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn TCCS vào 31/12/2020. Và chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ TCCS về thẻ chip nội.
Trước khi Thông tư được ban hành, cơ quan quản lý đã lấy ý kiến của các NHTM, nên các ngân hàng đều đã xác định lộ trình chuyển đổi, cam kết với cơ quan quản lý cũng như thị trường về việc chuyển đổi này. Nếu nói về khó khăn trong việc chuyển đổi lần này, tôi cho rằng thực ra không hoàn toàn xuất phát từ phía ngân hàng, mà nhiều khi là ở khách hàng. Sẽ có trường hợp chủ thẻ hiện đang sử dụng thanh toán bình thường, chưa có nhu cầu thay đổi nếu ngân hàng chưa gia tăng tiện ích. Nên cách thức truyền thông, tổ chức thay thế thẻ ra sao để khách hàng hiểu lợi thế của sử dụng thẻ chip sẽ tuỳ thuộc mỗi ngân hàng, đảm bảo mục tiêu đến cuối năm 2021 là 100% thẻ ATM được chuyển đổi sang thẻ chip.
Xin cảm ơn ông!
Tháng 10/2018, NHNN có Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa. Bộ tiêu chuẩn bao gồm 10 TCCS về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc tại Việt Nam. Việc áp dụng Bộ Tiêu chuẩn này được kỳ vọng sẽ nâng cao độ đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ ngân hàng, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phát triển thêm các tính năng, tiện ích của thẻ ATM. Đây là bộ TCCS đầu tiên quy định chi tiết và đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc, được NHNN xây dựng theo hướng tương thích với chuẩn EMV. Ngày 28/12/2018, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 41/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2019 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó có yêu cầu: Tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) phải tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ khi có BIN do NHNN cấp và áp dụng đối với ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của TCTTT; Quy định lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đối với TCPHT và TCTTT. Tính đến hết quý I/2019, các đơn vị đã phát hành 158 triệu thẻ với hơn 18.668 máy ATM và trên 261.705 POS được lắp đặt. Năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán thực hiện qua thẻ ngân hàng đạt gần 230 triệu giao dịch (tăng 19% so với năm 2017) với tổng số tiền giao dịch là 592.000 tỷ đồng. |