Đâu là giải pháp căn cơ cho mía đường?
Để phát triển bền vững ngành mía đường | |
Cổ phiếu mía đường: Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn |
Mạnh tay ngăn chặn né thuế
Sau gần một năm điều tra hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đầu tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở thu thập, tổng hợp thông tin và ý kiến do các bên liên quan cung cấp, bao gồm thông tin từ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu và từ các cơ quan chức năng, kết luận điều tra xác định việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan. Đồng thời, các chỉ số kinh tế cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.
Các doanh nghiệp mía đường cần nhanh chóng giảm giá thành để tăng năng lực cạnh tranh. |
Nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Tuy nhiên, đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh nếu chứng minh được là sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng các mức thuế phòng vệ thương mại nêu trên đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan phù hợp với kết quả điều tra lẩn trốn thuế phòng vệ thương mại. Các mức thuế cũng đã được cân nhắc phù hợp với quy định của Luật Quản lý ngoại thương và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thực tế, từ tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã có quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá 42,99% và mức thuế chống trợ cấp 4,65% đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ khi đường Thái Lan bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đến nay, lượng đường mía từ các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar nhập vào Việt Nam tăng vọt, đột biến.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ giữa tháng 2/2021 đến hết tháng 10/2021, lượng đường nhập từ 5 nước ASEAN kể trên tăng 255% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đường nhập khẩu chính ngạch Thái Lan giảm 38% so với cùng kỳ.
Điều này đã thúc đẩy Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khởi kiện điều tra hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan và quyết định áp dụng mức thuế 47,64% kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các nhà máy đường trong nước trong giai đoạn 5 năm sau đó.
Giải pháp căn cơ cho mía đường nội địa
Mặc dù ghi nhận việc mạnh tay đánh thuế phòng vệ thương mại đối với đường Thái Lan có đang tạo ra tâm lý bình đẳng thị trường cho ngành mía đường nội địa như một động lực để doanh nghiệp mía đường trong nước bước vào một cuộc cạnh tranh công bằng hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký VSSA cho rằng, việc áp thuế tự vệ không phải là biện pháp lâu dài và bền vững cho ngành mía đường. Bởi xét đến cùng, các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước phải “tự thân vận động” và “lớn lên” trong cuộc chơi quốc tế thì mới đủ sức cạnh tranh trong những năm sắp tới.
Dẫn chứng những mặt còn hạn chế của ngành mía đường trong nước, ông Lộc cho biết, ngay cả khi đường nhập khẩu từ Thái Lan đang bị điều tra chống bán phá giá thì các doanh nghiệp mía đường trong nước vẫn chưa tận dụng được những lợi thế sân nhà. Kết thúc niên vụ vừa qua, tổng diện tích mía phục vụ cho sản xuất đường trong nước đã giảm chỉ còn 129.000 ha so với con số 190.000 ha vào niên vụ 2018-2019. Giá mua mía nguyên liệu (tại ruộng) của doanh nghiệp trong nước, mặc dù đã được nâng lên mức 1.150.000 - 1.200.000 đồng/tấn, nhưng vẫn chưa mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng và chưa khuyến khích được việc mở rộng các chuỗi sản xuất lớn.
Ở góc độ kinh doanh, ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Cần Thơ cho rằng, việc áp thuế đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan mới chỉ giải quyết được một phần cho ngành đường trong nước bởi vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết nạn đường nhập lậu. Bởi hiện nay, chênh lệch về giá thành và giá bán mía đường thành phẩm các loại, đường lậu vẫn có rất nhiều cửa để tràn vào thị trường trong nước, bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý và các ngành chức năng. Đặc biệt hiện tình trạng mua bán đường lậu gia tăng mạnh tại các tỉnh biên giới Tây Nam sau khi biên giới được nới lỏng khi Covid-19 được kiểm soát.
“Đường nhập khẩu chính ngạch bị áp thuế cao thì đường lậu dạng đóng cây 12 kg và đường túi 1 kg sẽ tìm mọi cách để tràn vào thị trường Việt Nam”, ông Hiếu cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 1578/QĐ-BCT, các doanh nghiệp đường lớn trong nước đều có hoạt động kinh doanh khá khởi sắc cả về doanh thu và lợi nhuận.
Đơn cử, các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Thành Thành Công Biên Hòa ghi nhận mức doanh thu trên 5.500 tỷ đồng và lãi trước thuế trên 200 tỷ đồng trong quý II/2022. Các doanh nghiệp khác như Mía đường Lam Sơn, Mía đường Kon Tum, Quảng Ngãi… mức doanh thu và lợi nhuận đều có sự tăng trưởng so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, giá bán đường thành phẩm trong nước, tính đến thời điểm quý III/2022 vẫn ở mức từ 18.000 - 18.400 đồng/kg (đối với đường tinh luyện) và 17.200 - 17.400 đồng/kg (đối với đường vàng). Trong khi đó, giá đường nhập lậu trên thị trường chỉ ở mức 16.400 - 16.800 đồng/kg.
Do đó, về lâu dài hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ngành mía đường cần tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả.
“Hiện nay, một số nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi ở nhiều nước lên đến 100 tấn/ha. Nếu không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh”, bà Trần Thị Huế, chuyên gia tại Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính nhận định.