Đầu tư tự động hoá: Cách nào để không tước đi việc làm của người lao động?
Tự động hoá không hoàn toàn thay thế được con người | |
Tự động hóa doanh nghiệp: Vốn và nhân lực đóng vai trò quan trọng | |
THACO nâng cao tự động hóa trong sản xuất |
Tự động hoá đang trở nên phổ biến trong cả khối DN dân doanh và DN FDI tại Việt Nam và xu hướng rõ ràng là cả 2 nhóm DN đều có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư các công nghệ giúp cắt giảm chi phí. Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 cho thấy, 2/3 số DN được khảo sát, bao gồm cả DN dân doanh trong nước và DN FDI, cho biết đã thực hiện tự động hoá một số công việc trong vòng 3 năm qua, trong khi 3/4 có kế hoạch tự động hoá một số công việc hiện tại hoặc dự kiến trong 3 năm tới.
DN trong nước đang bắt nhịp
Các DN dân doanh cho biết đã thực hiện tự động hoá khoảng 10% công việc trong 3 năm qua và có kế hoạch tăng tỷ lệ tự động hoá lên khoảng 25% công việc trong tương lai gần. Với các DN FDI, tỷ lệ tự động hoá chỉ nhỉnh hơn một chút so với các DN dân doanh, với mức 10,6% ở hiện tại và 28% trong tương lai.
Cũng theo điều tra PCI, một số ngành nghề nổi trội hơn hẳn các ngành nghề còn lại về tỷ lệ tự động hoá, dù ở nhóm DN dân doanh hay DN FDI. Đó là các ngành sản xuất chế biến hoá chất, sản xuất thiết bị điện, máy tính và thiết bị điện tử và sản xuất chế biến kim loại cơ bản. Đối với nhóm DN dân doanh, tỷ lệ tự động hoá cao nhất là 20% ở ngành sản xuất chế biến hoá chất; và 15% đối với ngành sản xuất sản phẩm điện tử. Đối với nhóm DN FDI, tỷ lệ tự động hoá cao nhất là 15% ở các nhóm ngành sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy tính và sản phẩm điện tử, chế biến thực phẩm.
Công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ lệ tự động hoá cao nhất trong các nhóm ngành |
GS. Edmund Malesky - Đại học Duke (Mỹ) phân tích, ở khía cạnh tích cực, điều này chỉ ra rằng các DN dân doanh trong nước dường như đã bắt kịp DN FDI, một tín hiệu tốt về khả năng hội nhập hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN dân doanh Việt Nam nhờ áp dụng các công nghệ tương tự như DN FDI, tăng năng suất để cạnh tranh hiệu quả với các DN nước ngoài trên thị trường nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tiêu cực, người lao động Việt Nam đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Điều tra PCI cũng cho thấy thực tế là với các DN đã thực hiện tự động hoá, thì 27% số DN dân doanh giảm lao động, chỉ có 12,6% DN tăng lao động. Tương tự như vậy, 33% DN FDI sau khi tiến hành tự động hoá đã giảm lao động; trong khi tỷ lệ DN dự định tăng quy mô lao động đồng thời với tăng quy mô sản xuất tự động cũng chỉ chiếm 17,8%.
Rõ ràng, việc ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn chưa gây ra tác động tiêu cực rõ nét, đẩy cao tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trên thị trường. Bởi nhìn chung, thị trường lao động Việt Nam vẫn thiếu hụt lực lượng lao động giản đơn. Tuy nhiên về lâu dài, khi tốc độ tự động hoá được đẩy nhanh, thì cần tính toán tới thực trạng lao động giản đơn dần dần bị máy móc thay thế hoàn toàn.
Cần dự báo sớm biến động về việc làm
GS. Edmund Malesky lưu ý thêm, một số xu hướng về thay đổi tỷ lệ tự động hoá cần được các nhà hoạch định chính sách lưu tâm, bởi chúng có thể là chỉ báo về những ngành nghề sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến động đáng kể về việc làm. Đơn cử như ngành sản xuất máy tính có kế hoạch tăng tỷ lệ tự động hoá thêm 10 điểm %, tương đương với việc tỷ lệ tự động hoá dự kiến của ngành này sẽ tăng lên 25% vào năm 2023. Trong khi đó, DN ngành chế biến thực phẩm dự định giữ nguyên tỷ lệ tự động hoá ở mức 15%. Sự khác biệt này chỉ ra rằng, năng suất của ngành sản xuất máy tính sẽ gia tăng hơn nữa, kéo theo đó là nguy cơ cao hơn của việc ngành này sẽ giảm bớt số lao động.
Xu hướng tương tự cũng quan sát được ở khối DN dân doanh trong nước hoạt động trong các ngành sản xuất chế biến chế tạo. DN sản xuất sản phẩm điện tử trong 3 năm qua đã thực hiện tự động hoá 15% công việc, song dự định tăng tỷ lệ này lên 30% trong 3 năm tới. Trái lại, tỷ lệ tự động hoá của DN ngành sản xuất hoá chất chỉ tăng từ 20% hiện tại lên 26% trong 3 năm tới.
Điều tra PCI cũng chỉ ra 2 nhóm yếu tố có tương quan với chiến lược tự động hoá của DN FDI. Nhóm thứ nhất là chi phí đào tạo lao động và nguy cơ đình công. Quan điểm của DN về tác động môi trường và triển vọng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cũng là các yếu tố thúc đẩy DN FDI đầu tư vào tự động hoá.
Trong khi đó, quyết định tự động hoá của các DN dân doanh dựa trên những yếu tố khác biệt với DN FDI. Chất lượng lao động và chi phí đào tạo là các yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào tự động hoá của DN. Khả năng kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là yếu tố quan trọng. Nói cách khác, DN dân doanh thúc đẩy tỷ lệ tự động hoá nhằm đáp ứng yêu cầu để hợp tác với DN FDI, hoặc đáp ứng yêu cầu của người mua ở nước ngoài.
Từ phân tích trên nhóm nghiên cứu PCI đã đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần tăng cường các nỗ lực để phát huy các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục và quan hệ lao động. Theo đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và dạy nghề, cải thiện kỹ năng của người lao động nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động của DN, sẽ giúp giảm nhu cầu tự động hoá của DN, đồng thời trang bị cho người lao động các kỹ năng tốt hơn để tiếp cận các công việc có thu nhập cao hơn, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
“Việc dự báo tác động quá trình tự động hoá sẽ là một công việc cực kỳ khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách. Do đó cần tập trung phát triển hệ thống giáo dục đào tạo có thể trang bị cho người lao động các bộ kỹ năng linh hoạt cho phép họ thích ứng nhanh hơn, học hỏi kỹ năng mới dễ dàng và biết tận dụng các thay đổi của công nghệ”, đại diện nhóm nghiên cứu PCI chỉ rõ.
Tâm lý e ngại đình công dường như có vai trò quyết định trong việc lựa chọn tự động hoá của một số DN FDI. Vì vậy cần cải cách theo hướng cải thiện điều kiện làm việc và tạo thuận lợi cho việc thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động.