Để chiến thắng trên cả mặt trận y tế và kinh tế
Ông Vũ Tú Thành |
Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ Việt - Mỹ sau nhiều tín hiệu tích cực gần đây?
Tôi cho rằng quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng tích cực đó, với các nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế đang rất tốt hiện nay. Đáng chú ý trước đó, các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ; về nguồn gốc, xuất xứ một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ hay cáo buộc bán phá giá với một số mặt hàng nhập khẩu khác… gây những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ trong báo cáo rà soát vào tháng 4/2021 và mới đây là thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam vào tháng 7 vừa qua về hoạt động tiền tệ cũng như quyết định ngay sau đó của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ về cuộc điều tra theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974 với kết luận “hiện chưa cần có hành động thương mại nào đối với Việt Nam” được các doanh nghiệp Mỹ đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, các vấn đề khó khăn nổi cộm nhất trong quan hệ hai bên vẫn liên quan đến thương mại và đầu tư. Cụ thể là vấn đề thâm hụt thương mại lớn của Mỹ. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số, lĩnh vực nông nghiệp hay sự chậm trễ, vướng mắc trong việc xây dựng thủ tục, quy trình liên quan đến hợp tác trong các dự án năng lượng như nhập khẩu LNG của Mỹ chẳng hạn...
Quan hệ song phương tích cực như vậy ảnh hưởng thế nào đến hoạt động thương mại cũng như đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới?
Nền tảng quan hệ song phương Việt - Mỹ tốt hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thương mại, đầu tư. Có nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang thăm dò, khảo sát để có các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam và thực tế đã có dự án đầu tư lên tới cả tỷ USD đang được triển khai, người ta tiến hành đầu tư rồi nhưng để đi vào hoạt động thì phải cần thêm các giấy phép khác nữa và Chính phủ đang gỡ dần.
Như vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định nâng cấp “Tổ công tác thúc đẩy đầu tư nước ngoài” (có từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) lên thành “Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng” nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy các dự án đầu tư, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, Tổ công tác đặc biệt này hoạt động hiệu quả sẽ giúp cho hoạt động đầu tư mới hay mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Cần sớm khống chế dịch để phục hồi sản xuất |
Đợt dịch hiện nay ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, thưa ông?
Khảo sát của USABC phối hợp với AmCham Việt Nam cho thấy, tất cả các doanh nghiệp đều đánh giá ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều tham gia sâu hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu, nên việc phải giảm mạnh quy mô hoặc tạm dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất vì dịch bệnh và giãn cách đang gây những xáo trộn lớn. Họ đang phải thường xuyên cập nhật lại các tính toán để ứng phó, trong đó có các khả năng giãn, giảm kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thậm chí giảm sản lượng để điều chuyển sang cơ sở sản xuất ở các nước khác nếu thời gian giãn cách (phong tỏa) kéo quá dài.
Hiện Việt Nam đang nỗ lực để chiến thắng đại dịch cả trên mặt trận y tế và kinh tế. Ông có đề xuất gì cho những nỗ lực này?
Các nước đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin như mục tiêu đặt ra. Vì vậy không thể duy trì giãn cách (phong tỏa) trong thời gian dài. Với cộng đồng doanh nghiệp, tôi cho rằng một trong những quan tâm lớn nhất hiện nay là cần sớm xây dựng và công bố lộ trình mở cửa dần trở lại với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo khu vực với các mốc thời gian cụ thể. Các mốc thời gian này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế, nhưng phải đặt ra để doanh nghiệp có cơ sở lên kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đây cũng là kiến nghị mà USABC đưa ra trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp mới đây.
Bên cạnh đó, cần bố trí đội ngũ hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương đang bị dịch bệnh nặng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng như cứu người bởi hai mặt trận y tế và kinh tế đều rất quan trọng. Như tại các tỉnh phía Nam hiện nay, diễn biến dịch căng thẳng khiến thiếu nhân lực cho mặt trận y tế, cho nên từ khắp nơi đã “gửi” vào miền Nam đội ngũ bác sĩ, y tá... để hỗ trợ. Nhưng trong Nam hiện còn thiếu cả nhân lực để lo mặt trận kinh tế. Bởi nhân lực của các các sở, ban, ngành lo về kinh tế từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp... đều thiếu do một phần là phải giãn cách làm việc ở nhà; một phần do năng lực, trách nhiệm của cán bộ cũng hạn chế, không theo kịp các chính sách, văn bản của Trung ương ban hành...
Ví dụ, khi doanh nghiệp xuất hiện F0 trong lực lượng lao động của họ thì quy trình xử lý như thế nào, xử lý xong thì phải làm các bước tiếp theo như thế nào để người ta có thể tái khởi động sản xuất trở lại… Tức là phải có cán bộ có đủ năng lực vào đấy hướng dẫn cho cán bộ địa phương hiểu rõ các chính sách mới nhất để hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Do đó cùng với việc phải điều nhân lực để hỗ trợ mặt trận y tế thì cũng phải điều nhân lực hỗ trợ mặt trận kinh tế, ví dụ như điều cán bộ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương... đến để hỗ trợ cho cán bộ phụ trách các lĩnh vực kinh tế ở các địa bàn đó. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng biệt phái vào miền Nam cũng nên mở rộng ra, tăng thêm quyền hạn để ngoài chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội… còn hỗ trợ tháo gỡ nhanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ