Tín dụng chính sách: “Bệ phóng” để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer Trà Vinh (Bài 3)
Tín dụng chính sách: “Bệ phóng” để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer Trà Vinh (Bài 1) Tín dụng chính sách: “Bệ phóng” để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer Trà Vinh (Bài 2) |
(Bài 3) Nguồn động lực giúp đồng bào Khmer tham gia xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW |
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 60% xã đạt chuẩn NTM nâng cao đáp ứng đầy đủ theo quy định của Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; có 09/85 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 09/09 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, đạt 100%, trong có có 02/07 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 28,57%. Tỉnh đã hoàn thành 08/08 nội dung theo quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ XDNTM giai đoạn 2021-2025.
Trong 10 năm qua, hệ thống NHCSXH tỉnh đã chủ động, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Đại diện HĐQT của NHCSXH... toàn chi nhánh đã nỗ lực, triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về tập trung thực hiện Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025, trong 09 tháng năm 2024, tổng doanh số cho vay các xã NTM đạt 812 tỷ đồng, chiếm trên 89,72%/tổng doanh số cho vay các chương trình TDCS tại NHCSXH. Tổng dư nợ đến 30/9 tại các xã NTM đạt 4.146 tỷ đồng, chiếm 89,66%/tổng dư nợ, với trên 151.681 khách hàng còn dư nợ; bình quân trên 48,8 tỷ đồng/xã NTM.
Nguồn vốn TDCS đã góp phần tích cực cùng với địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành đạt các tiêu chí NTM, góp phần giúp người dân các xã XDNTM đạt một số tiêu chí như: thu hút và tạo việc làm cho 6.887 lao động, trong đó 884 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 2.818 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; cho vay xây dựng 13.077 công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn.
Được biết, tổng dư nợ các chương trình TDCS 09 tháng năm 2024 đạt 4.624 tỷ đồng, tăng 215 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 98%, với gần 129 ngàn khách hàng còn dư nợ; bình quân dư nợ 35,8 triệu đồng/hộ. Các chương trình TDCS có dư nợ cao như: giải quyết việc làm (1.230 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (762 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (985 tỷ đồng), cho vay học sinh, sinh viên (341 tỷ đồng), cho vay hộ nghèo về nhà ở (343 tỷ đồng).
Những con đường NTM ở xã NTM Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh |
Nhân viên NHCSXH tỉnh Trà Vinh trao đổi về chuyển đổi số để áp dụng trong giải ngân vốn TDCS. |
Trên cơ sở kết quả đạt được về giải ngân vốn TDCS của 09 tháng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn chỉ đạo NHCSXH tiếp tục ưu tiên nguồn vốn TDCS để nâng các tiêu chí NTM, trong đó, tập trung cho hộ nghèo, hộ Khmer, xã xã XDNM nâng cao.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh có 106 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, với trên 500 cán bộ Hội đoàn thể từ tỉnh, huyện đến xã tham gia vào hoạt động ủy thác. Tại các điểm giao dịch xã được thực hiện công khai TDCS ưu đãi của Trung ương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục của NHCSXH, công khai dư nợ, lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ, các chính sách mới của Chính phủ... và tổ chức giao dịch theo lịch cố định hàng tháng tại xã, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và hình thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, mô hình này đang phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, của cấp ủy, chính quyền; tạo điều kiện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn TDCS của Chính phủ thuận lợi, giảm chi phí.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định vai trò của TDCS đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và XDNTM trên địa bàn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả nhằm duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH.
Có thể khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một trong những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng bổ sung nguồn vốn giúp NHCSXH thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; ổn định tình hình an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer Trà Vinh nói riêng và XDNTM. TDCS góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, NHCSXH đã thực sự là địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách; sự đáp ứng kịp thời và phù hợp với thực tiễn của các chương trình TDCS đã tạo đồng thuận của người nghèo, đồng bào Khmer và các đối tượng chính sách khác và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chung tay với hoạt động TDCS trên địa bàn; từ đó, tham gia hiệu quả phong trào XDNTM.
Phát huy thành tích đạt được năm 2023, năm 2024 cũng như giai đoạn 2024 - 2025, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương và tình hình biến đổi khí hậu ở vùng có đông đồng bào Khmer. Phối hợp giữa các cấp, các ngành, gắn chặt với vốn TDCS nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào Khmer để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề, khuyến khích xuất khẩu lao động.
Song song đó, các cấp, các ngành của Trà Vinh sẽ ưu tiên các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách về nước sinh hoạt, điện, kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM, đô thị văn minh; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận; tăng cường nắm tình hình, sâu sát cơ sở; phát huy vai trò người có uy tín; xây dựng và phát huy lực lượng nòng cốt trong các đoàn thể, không để phát sinh những vấn đề phức tạp, vượt cấp, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer.
Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer mạnh dạn đấu tranh, cảm hóa các đối tượng có tư tưởng hẹp hòi, cực đoan dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tất cả vì mục tiêu: đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên.
Bức tranh nông thôn của Trà Vinh đã khởi sắc; trong đó có sự đóng góp từ Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, đồng bào Khmer Trà Vinh, cũng như đồng bào Kinh, Hoa tiếp tục phát huy, tăng cường Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp.