NHCSXH huyện Chương Mỹ: Chuyển mình nhờ triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 (Bài 1)
Bài 1: NHCSXH huyện Chương Mỹ: Chuyển mình nhờ triển khai hiệu quả Chỉ thị 40
Chính sách hợp lòng dân
Với phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá”, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trước những hiệu quả hoạt động bước đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40). Có thể nói, đây là chỉ thị rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách tín dụng thiết yếu, góp phần tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Trong 10 năm qua, Chỉ thị số 40 trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Chương Mỹ, NHCSXH huyện không chỉ là “cầu nối” giải ngân tín dụng của Chính phủ mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững.
Chuyển mình nhờ triển khai hiệu quả Chỉ thị 40
Giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện còn tồn tại những hạn chế như: một số thành viên Ban đại diện còn chưa nắm chắc về tín dụng chính sách, chưa hiểu rõ nhiệm vụ của mình khi tham gia với vai trò là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện; một số Chủ tịch UBND cấp xã chưa hiểu rõ, chưa quan tâm đến tín dụng chính sách, còn phó mặc cho hội đoàn thể; công tác phối hợp xử lý nợ xấu, lãi tồn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân chây ỳ cố tình không trả nợ. Tại thời điểm này, Chương Mỹ là đơn vị có số nợ quá hạn cao với 820,5 triệu đồng và lãi tồn 4,7 tỷ đồng cao nhất toàn thành phố Hà Nội, với 26/32 xã, thị trấn có nợ quá hạn. Chất lượng tín dụng chưa tốt dẫn đến việc các xã, thị trấn, hội đoàn thể và ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn e ngại triển khai cho vay, đồng thời cũng ảnh hưởng đến việc phân bổ bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách mới hàng năm của UBND thành phố cho huyện Chương Mỹ.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của Chỉ thị 40, Ban lãnh đạo NHCSXH huyện cùng với tập thể cán bộ nhân viên đã tổ chức nghiên cứu kỹ Chỉ thị 40, rà soát từng phần hành nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia quản lý, giám sát vốn tín dụng chính sách để từng bước đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trước hết, NHCSXH huyện đã kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Tại các phiên họp thường kỳ, tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện yêu cầu thành viên Ban đại diện cấp xã phải báo cáo cụ thể tình hình tín dụng chính sách tại địa phương, báo cáo rõ kết quả thu hồi và phương án xử lý tiếp theo đối với các món vay nợ quá hạn, các món tiềm ẩn rủi ro, lãi tồn; tham mưu Trưởng Ban đại diện về làm việc trực tiếp với một số xã có nợ quá hạn cao, gặp gỡ làm việc với một số khách hàng chây ỳ.
Xác định con người là vấn đề then chốt trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của đơn vị, Phòng giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã, hội đoàn thể các cấp để chỉ đạo tập trung kiện toàn chia tách, sát nhập, thay đổi Tổ trưởng theo hình thức cuốn chiếu đối với các tổ hoạt động yếu, kém, dư nợ thấp; tăng cường công tác tổ chức rà soát, phân tích nợ đến hạn từng món để có biện pháp xử lý hỗ trợ người vay kịp thời, giao phân công phụ trách công tác thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đến từng món….
Bên cạnh đó, ngay từ đầu các năm, Phòng giao dịch thống nhất với Hội đoàn thể huyện để Hội đoàn thể huyện ra văn bản giao chỉ tiêu thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đến các hội đoàn thể cấp xã; Hội huyện thực hiện sơ kết theo từng quý để kịp thời khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn…
Về phía NHCSXH huyện, Ban Giám đốc tăng cường các buổi làm việc với các xã còn chưa quan tâm nhiều đến tín dụng chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai tín dụng chính sách tại các địa phương; cán bộ tín dụng tăng tần xuất đi đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn; tổ chức chia nhóm trong đơn vị để giao chỉ tiêu thu hồi nợ quá hạn, có hình thức khen thưởng để động viên cán bộ kịp thời, không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông Quách Thiên Dũng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng: cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng; triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ, hiệu quả với sự tham gia của 450 tổ Tiết kiệm và vay vốn, 32 điểm giao dịch tại xã, thị trấn, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi; tăng trưởng tín dụng ấn tượng với doanh số cho vay tính từ năm 2015 đến nay đạt 2.024 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.397 tỷ đồng, tổng dư nợ 10 chương trình đạt 864 tỷ đồng với trên 16 ngàn hộ gia đình đang vay vốn, tăng 617 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 36%; chất lượng tín dụng trên địa bàn từng bước được củng cố, nâng cao (tại thời điểm cuối năm 2014 nợ quá hạn trên địa bàn là 820,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,33% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách, thì đến thời điểm hiện nay, huyện Chương Mỹ không còn nợ quá hạn, lãi tồn còn 451 triệu đồng, giảm trên 4,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dù thu ngân sách hạn hẹp nhưng huyện vẫn ưu tiên bố trí một phần ngân sách hàng năm dành cho tín dụng chính sách xã hội, quan tâm chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH huyện để cho vay với số tiền 8,1 tỷ đồng, tăng 7,9 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả trên địa bàn đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, huyện đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong 10 năm qua đã có gần 8 nghìn hộ gia đình thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 8,8%/năm; giai đoạn 2021- 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,45%; đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,12%. Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm là trên 27.000 lao động, chiếm tỷ lệ 30% trên tổng số lao động được tạo việc làm. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tình trạng tín dụng đen, bảo đảm trật tự, an ninh chính trị và an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Với niềm tin tưởng sâu sắc và với bản chất nhân văn của chương trình tín dụng chính sách xã hội, sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính xã hội trên địa bàn huyện đã và sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của Thành phố Hà Nội.