Triển khai Chỉ thị 40 ở Sơn La: Đột phá về tín dụng chính sách
Đầu tiên là thay đổi nhận thức
Huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là một huyện đặc biệt khó khăn nên xã Tông Lạnh cũng không nằm ngoài những cái khó khăn chung của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tiền không có thì việc học hành, tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng lại khó theo. Nhưng đấy là chuyện của 20 năm trước. Đời sống của người dân Tông Lạnh hôm nay đã khác hẳn.
Là hộ nghèo, ông Mè Văn Tương ở bản Trai Chanh, xã Tông Lạnh được vay 20 triệu từ ngân hàng chính sách về chăn nuôi, lãi suất ưu đãi, lại được các hội đoàn thể tới hướng dẫn cách chăm sóc bò, dê cho khỏi bệnh, vệ sinh chuồng trại, trồng cỏ voi làm thức ăn, sau 3 năm, trả được nợ nhà nước, ông Tương thoát nghèo. Nhưng thoát nghèo mới chỉ là bước đầu mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở Thuận Châu thực hiện. Ông Tương tiếp tục được vay 50 triệu nguồn vốn cho vay với hộ cận nghèo mua 3 con dê, 3 con bò. Sau khi xuất bán được 2 con bò to và 2 con dê thu về 44 triệu đồng, giờ trong chuồng còn đàn dê 13 con cùng 4 con bò. Ông Tương tự tin bảo chẳng mấy chốc trả nợ được vốn vay ngân hàng chính sách và ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Anh Cà Văn Xôm ở bản Bỉa, xã Phỏng Lăng còn cười vui bảo, Nhà nước mà có vốn thì anh không chỉ vay 50 triệu mà còn vay gấp 3 để đầu tư nuôi trâu bò. Vốn tín dụng ưu đãi vay tại ngân hàng chính sách không chỉ thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải ngân ngay tại xã không phải đi đâu xa, lại không cần tài sản thế chấp, lãi suất thì ổn định không lên xuống theo thị trường nên rất phù hợp với bà con người dân tộc, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Theo đồng chí Lò Văn Sâm, bí thư đảng ủy xã Tông Lạnh thì trước đây, bà con dân tộc ở Tông Lạnh rất sợ vay vốn, cầm tiền của Nhà nước mà tay run vì không biết làm gì. Nhưng muốn thoát nghèo, muốn đời sống đi lên thì chỉ có con đường làm ăn kinh tế. Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo việc tuyên truyền, giải thích cho người dân, giao hội đoàn thể nhận ủy thác phát triển hội viên, thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn. Người dân vay vốn về thì được đi học các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt. Làm ăn hiệu quả, đời sống của từng hộ dân đi lên đã góp phần đưa Tông Lạnh đạt tiêu chí xã nông thôn mới vào năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo từ 32% giảm xuống chỉ còn còn 8%.
Chuyện vay vốn làm ăn giờ đây không còn là chuyện xa lạ với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở Tông Lạnh hay Thuận Châu nói riêng nữa. Sự thay đổi nhận thức của người dân trong việc mượn vốn nhà nước để thoát nghèo đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Sơn La giảm nhanh. Tới cuối năm 2023, số hộ nghèo của tỉnh Sơn La còn 42.147 hộ, chiếm 14,17% tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; số hộ cận nghèo 27.050 hộ, chiếm 9,10% tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt trên 3%/năm.
Vốn vay nhà nước đã "nở" thành tài sản của gia đình ông Mè Văn Tương (xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu). |
Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần cho nhiều sản phẩm OCOP lên kệ hàng hóa |
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Sự nỗ lực vươn lên của mỗi hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc ở Sơn La những năm qua luôn có sự đồng hành của các cấp hội đoàn thể và của từng đảng viên ở cơ sở. Kinh nghiệm của Tông Lạnh là phân công các ủy viên BCH Đảng bộ xã phụ trách, thường xuyên sinh hoạt cùng chi bộ cơ sở, giao chỉ tiêu giảm nghèo xuống tận thôn bản. Các đảng viên tại chi bộ phân công nhau giúp hộ nghèo của chính thôn mình, bản mình, đến tận từng nhà để tìm hiểu vì sao người dân còn nghèo để từ đó có hướng thoát nghèo cụ thể. Nhiều đảng viên tập trung xây dựng các mô hình kinh tế của gia đình đem lại lợi nhuận cao, trở thành các điểm sáng để nhân rộng, lan tỏa tinh thần mạnh dạn vay vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Đặc biệt, từ 2014, Chỉ thị số 40-CT/TW đã phát huy hiệu quả tối đa khi cấp ủy, chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động thường xuyên.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo; nâng cao hiệu quả giám sát của các đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Là một trong 4 tổ chức hội nhận ủy thác tín dụng chính sách từ NHCSXH, với vai trò là "cầu nối", các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã góp phần giúp nhiều hội viên nông dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào Hội, từ đó chất lượng các phong trào của Hội cũng được nâng lên, góp phần đưa tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh.. Ông Bạc Cầm Khuyên - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, đến nay, dư nợ ủy thác do tổ chức Hội Nông dân Sơn La quản lý đạt trên 1.718 tỷ đồng, chiếm trên 26,5% dư nợ cho vay theo phương thức ủy thác qua hội đoàn thể; 33.265 hộ vay vốn còn dư nợ tại 1.003 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Những cán bộ tín dụng luôn đồng hành cùng người dân thoát nghèo, hướng dẫn bà con tiếp cận tài chính vi mô |
Họp bàn sử dụng vốn vay của Nhà nước sao cho hiệu quả ở xã Hang Chú, huyện Bắc Yên |
Hiệu quả thiết thực là giảm nghèo bền vững
Tính đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đang thực hiện ủy thác 16 chương trình tín dụng chính sách thông qua 04 tổ chức chính trị - xã hội, với dư nợ cho vay ủy thác đến 30/4/2024 là 6.464.526 triệu đồng, tăng 4.194.706 triệu đồng so với 31/12/2014; chiếm 99,8%/tổng dư nợ của NHCSXH Sơn La với 3.789 tổ tiết kiệm và vay vốn. Chất lượng tín dụng ủy thác đến 30/4/2024 nợ quá hạn là 2.962 triệu đồng, giảm 1.819 triệu đồng so với 31/12/2014, chiếm 0,04%/tổng dư nợ ủy thác.
Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá, tín dụng chính sách cũng góp phần thực hiện các chủ trương chính sách của tỉnh như hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo phong trào mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Từ năm 2014 đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 705 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn (tăng 352.053 lượt so với năm 2014); trên 128 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo (tăng 93.270 lượt so với năm 2014), góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 19 nghìn con em đi học tại các trường (tăng 648 lượt so với năm 2014); thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 70 nghìn lao động (tăng gần 32 nghìn lượt so với năm 2014); 990 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tăng 143 lượt so với năm 2014); trên 222 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng (tăng trên 155 nghìn lượt so với năm 2014) và xây dựng trên 26 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách (tăng gần 7 nghìn lượt so với năm 2014).
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có tác động to lớn đến sự thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của người dân, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tạo thói quen tích lũy, giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn vay, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo nguồn tích lũy để trả nợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong giai đoạn 2014 - 2024 doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sơn La đạt 17.239.516 triệu đồng, tăng 12.611.975 triệu đồng so với năm 2014, với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/4/2024 là 6.475.212 triệu đồng, tăng 4.190.849 triệu đồng so với năm 2014; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chú trọng chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đến nay, nợ quá hạn của Chi nhánh NHCSXH còn 2.994 triệu đồng, góp phần đưa tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh từ 0,38% thời điểm cuối năm 2014 giảm xuống còn 0,05%, đặc biệt có 137/204 xã không có nợ quá hạn. |