Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn
Nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu Vốn ngân hàng tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa |
Người nông dân làm giàu từ sản phẩm OCOP
Tại Tọa đàm, ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chương trình OCOP vô cùng có ý nghĩa về mặt chính sách và hiệu quả kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã được triển khai rộng khắp ở tất cả 63 tỉnh, thành với hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% đơn vị cấp xã. Tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm, con số sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao.
"Đây là chính sách có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua", ông Huấn nhấn mạnh và dẫn chứng, có tới 46% chủ thể OCOP có tăng trưởng về sản phẩm và doanh thu trong thời gian qua bất chấp đại dịch Covid-19; trong đó, tăng trưởng doanh thu bình quân của các chủ thể này đạt khoảng 29,7%. Về tác động xã hội, đến thời điểm hiện tại, gần 35% chủ thể có tăng lên về quy mô lao động, trong đó có 40% chủ thể là nữ và 18% chủ thể là người dân tộc.
Đặc biệt, Chương trình đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ, nhiều sản phẩm OCOP xuất hiện tại hầu hết các siêu thị lớn, thậm chí đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên cho các sản phẩm OCOP, nhờ đó không ít sản phẩm OCOP đã vươn xa ra thị trường thế giới...
PGS.TS Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh đánh giá, phong trào OCOP thay đổi được giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhờ có OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được chế biến sâu, đưa ra được thị trường bằng những mẫu mã, bao bì đẹp mắt, bán được giá, hiệu quả sản xuất tăng lên nhiều lần. Từ đó, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương...
Trước những tác động tích cực của chương trình OCOP tới sự phát triển của kinh tế nông thôn, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các NHTM cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chương trình OCOP. Bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, dòng vốn ngân hàng trở thành chất xúc tác quan trọng góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ sản xuất quy mô nhỏ, lạc hậu sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; phát triển thế mạnh của địa phương, đưa sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Là NHTM chủ lực trong việc thực hiện sứ mệnh "tam nông", ông Chu Ngọc Quý, Phó Trưởng Ban Khách hàng cá nhân Agribank cho hay, trong những năm qua, Agribank luôn đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong việc tư vấn, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP nói riêng.
Hiện nay, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại), hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao)... Đặc biệt, từ ngày 26/1/2024 Agribank đã triển khai chương trình cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP có quy mô chương trình 2.000 tỷ đồng; đối tượng khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP thuộc các nhóm sản phẩm; lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn đối với sản phẩm OCOP từ 3-5 sao thấp hơn tối đa 2,0%/năm. Đến nay chương trình tín dụng này đã được triển khai tại 28/171 chi nhánh với doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.
Vẫn cần tiếp sức để OCOP vươn xa
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo ông Đào Đức Huấn việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững, nhiều sản phẩm còn manh mún, thiếu vùng nguyên liệu tập trung. Ông Huấn cho biết, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có sự kiểm soát giúp cho đầu ra và chất lượng sản phẩm được ổn định, chủ động được câu chuyện về mặt thương mại. Ngược lại, nếu vẫn duy trì sự manh mún, nhỏ lẻ, doanh nghiệp OCOP sẽ thụ động ngay cả mặt chế biến và thụ động về hoạt động thương mại.
Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh chỉ ra lý do khiến các sản phẩm OCOP hiện chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì vướng yếu tố minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. “Chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế này khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ. Việc sản xuất một sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, minh bạch về thông tin truy xuất là mục tiêu cần được đặt rõ”, ông Mai Quang Vinh lưu ý.
Riêng đối với mối quan hệ với nhà băng, theo chuyên gia, chủ thể OCOP thường là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoặc các HTX nên không thông thạo các quy định, hoàn thiện hồ sơ vay vốn hay nhu cầu về vốn trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, các ngân hàng cần hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể OCOP về mặt hồ sơ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để các chủ thể OCOP tiếp cận vốn.
Về vấn đề này, ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận, chưa có gói tín dụng “đặc thù” cho các khách hàng triển khai các sản phẩm OCOP. Vì vậy các ngân hàng cũng cần cân nhắc thiết kế sản phẩm phù hợp bởi đặc thù OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ.
Tuy nhiên, để triển khai các chương trình OCOP hiệu quả hơn, ông Giang cũng cho rằng, rất cần các cơ chế chính sách đồng bộ, cần xem xét, đánh giá, tổng kết để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, cũng như nâng cao sự phối hợp của cơ quan quản lý trung ương và địa phương.
Trong khi đó, ông Đào Đức Huấn cho rằng, để sản phẩm OCOP vươn xa, không ai làm được ngoài chủ thể sản xuất, còn các chính sách từ cơ quan quản lý hay ngân hàng chỉ là người đồng hành, kết nối hỗ trợ. “Chương trình phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2024-2025 đặt ra một mục tiêu và giải pháp đó là tiếp sức về mặt năng lực, đó là bằng mọi cách chúng ta phải cải thiện năng lực của chủ thể, đó là giải pháp trọng tâm”, ông Huấn nhấn mạnh.
Ông Phạm Trường Giang Giám đốc NHNN tỉnh Phú Thọ: Ngành Ngân hàng đồng hành cùng địa phương phát triển chương trình OCOP Trong thời gian qua, NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, nhất là sở Công thương, nông nghiệp, liên minh hợp tác xã, cơ quan báo chí trên địa bàn để làm tốt công tác thông tin truyền thông về chương trình OCOP. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng phối hợp với ban chỉ đạo của tỉnh, tổ chức tốt các hội nghị, chương trình kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Về công tác chỉ đạo, NHNN chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có sản phẩm OCOP. Đồng thời, chỉ đạo TCTD chủ động tập trung nguồn vốn ưu đãi để khách hàng tiếp cận vốn; làm tốt công tác tư vấn thủ tục vay, phương án vay vốn; phối hợp với khách hàng lựa chọn gói dịch vụ phù hợp... Bên cạnh đó, TCTD cởi mở hơn trong việc xem xét đánh giá về phương án vay vốn, tài sản thế chấp, thẩm định đánh giá khoản vay, tạo điều kiện nới hạn mức tín dụng… cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chủ động bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng để tư vấn doanh nghiệp sử dụng đồng vốn hiệu quả, chủ động cơ cấu nợ phù hợp. Song song với việc nâng cao tiếp cận tín dụng, chi nhánh cũng chỉ đạo TCTD làm tốt cung ứng dịch vụ thanh toán, ngoại tệ… liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, ngoại tệ, thanh toán xuyên biên giới của doanh nghiệp. NHNN chi nhánh cũng chỉ đạo TCTD luôn chủ động bám sát các sản phẩm OCOP đã được công nhận trên địa bàn để báo cáo ban chỉ đạo của tỉnh, ngành, có các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Chí Thành Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba: OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững Trong những năm qua, Chương trình OCOP đã được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn huyện, chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá công nghệ cao đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, giúp hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, hình thành những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương. Đây là yếu tố căn bản cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay huyện Thanh Ba đã có 25 sản phẩm được công nhận OCOP. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân… Tuy nhiên, chương trình OCOP vẫn còn gặp một số khó khăn, như một số chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của chương trình, vẫn còn tư tưởng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước. Các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm nên chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn hạn chế. Đồng thời, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chương trình OCOP còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiểu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định… PSG.TS. Mai Quang Vinh Viện trưởng Viện Công nghệ xanh Sản phẩm OCOP cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ Đến năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thành những cam kết về chống biến đổi khí hậu tại COP26, trong đó có mục tiêu đến năm 2050, giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia về 0. Vì vậy, tất cả sản phẩm của chúng ta phải có chứng chỉ các-bon thấp, có dán nhãn xanh. Ngoài ra, Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nên càng cần phải làm ngay để nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Nếu dễ dãi trong việc công nhận sản phẩm OCOP, chỉ chú trọng đến mẫu mã, bao bì đẹp mà không quan tâm đến chất lượng, minh bạch, các vấn đề môi trường - xã hội... sẽ không đạt hiệu quả. Thế giới đã đi rất nhanh về vấn đề này thì Việt Nam cũng cần tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu đến cả những thị trường khó tính. Để giải quyết, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho các sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là cần hỗ trợ cơ sở sản xuất nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu thị trường, tập trung hỗ trợ vào chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; Tăng cường liên kết giữa các sản phẩm. Nhà nước cần tìm lời giải giúp các cơ sở liên kết với nhau trong chuỗi giá trị tạo sức mạnh thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên các kênh trong và ngoài nước. Đồng thời, cần khuyến khích các cơ sở sản xuất quan tâm đến bộ nhận diện thương hiệu, đây là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh hiện nay. Sản phẩm OCOP cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, phải ứng dụng quản lý, chất lượng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ hiện đại đến từng khâu sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường khó tính. Việc phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ để sản phẩm lan tỏa ra thị trường. Các chương trình OCOP cần tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Nguồn vốn đối với chương trình OCOP cực kỳ quan trọng, phía ngân hàng cần kết hợp với các bên tư vấn, cơ quan quản lý vận động tuyên truyền để các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư về công nghệ, chất lượng sản phẩm và việc truyền thông tới người tiêu dùng… góp phần giúp các sản phẩm OCOP mang lại lợi nhuận, qua đó triển khai hiệu quả nguồn vốn vay. Ông Chu Ngọc Quý Phó Trưởng ban khách hàng cá nhân Agribank Ngân hàng đang gặp khó khăn khi cho vay sản phẩm OCOP Với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến người dân được nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải tiến, tháo gỡ về thủ tục cho vay, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, chủ động tiếp cận khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương... Đối với các khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm theo Chương trình OCOP có nhu cầu vay vốn liên hệ trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch Agribank trên toàn quốc để được tư vấn, hỗ trợ vay vốn theo các chương trình chính sách, của Agribank… Tuy nhiên trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP như các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn. Hiện tại, hợp tác xã (HTX) cũng là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP. Song trong quá trình vay vốn có phát sinh một số vướng mắc như giấy chứng nhận OCOP được cấp cho các HTX, trong khi các thành viên của HTX không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên. Các đơn vị HTX còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường đầu ra do các điều kiện tín dụng khác như quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, năng lực tài chính, tài sản có giá trị thấp, mặt bằng chủ yếu đi thuê, máy móc công nghệ lạc hậu... Các đơn vị còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường; thực hiện chế độ thống kê, kế toán còn nhiều hạn chế, ngần ngại trong việc minh bạch tình hình kinh doanh tài chính với ngân hàng, mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không đảm bảo chế độ phát hành hóa đơn của nhà nước… Do đó ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay. Ông Đào Đức Huấn Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT Các ngân hàng ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các chủ thể OCOP Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm 2023, Bộ NN&PTNT ký kết với NHNN, Agribank để xây dựng chính sách cho nông nghiệp nói chung. Trong đó sản phẩm OCOP là một đối tượng được ưu tiên xây dựng sản phẩm riêng để hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển hoạt động sản xuất. Đặc biệt là mở rộng quy mô trong đó có phát triển vùng nguyên liệu. Bộ cũng gửi văn bản về địa phương đề nghị rà soát lại các chủ thể OCOP có nhu cầu sử dụng vốn và sản phẩm tín dụng của ngân hàng. Đối với hoạt động tín dụng, ngành Ngân hàng đã làm rất tốt trên mọi lĩnh vực. Nhưng riêng đối với chủ thể OCOP chúng tôi mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ ngành Ngân hàng để có thông tin và giải pháp cụ thể vì không chỉ có vấn đề lãi suất mà còn liên quan đến thủ tục thế chấp, tín chấp. Trên góc độ tiếp sức, tôi mong rằng, ngân hàng nhìn nhận các gói sản phẩm và đánh giá theo đúng thực trạng của chủ thể. Ngoài ra, vì đa số chủ thể OCOP quy mô nhỏ sự thông thạo về hồ sơ, thủ tục, nhu cầu vốn đến trong thời gian ngắn nên mong muốn trong quy định thẩm định hồ sơ, hướng dẫn, các ngân hàng cần có sự ưu tiên hơn để doanh nghiệp có thuận lợi trong tiếp cận cận vốn. Đó là động lực tiếp sức rất mạnh mẽ cho các chủ thể OCOP. Về phía Bộ NN&PTNT sẽ chuyển tải những thông tin hỗ trợ của ngân hàng xuống các địa phương để các chủ thể OCOP có thể tiếp nhận được dễ dàng hơn. |