Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI và cơ hội cho Việt Nam Đà Nẵng: Xây dựng cơ chế riêng cho công nghiệp bán dẫn |
Mới đây, Chính phủ đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rốt ráo các chỉ đạo về chuyển đổi số, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024 về Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Vi mạch bán dẫn là một loại linh kiện điện tử được tạo thành từ chất bán dẫn, thường là silicon |
Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam sẽ góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo nền tảng thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ số…
Theo chuyên gia Trần Thu Hường, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo, được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành bán dẫn… Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này, cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức với các giải pháp phù hợp và đồng bộ.
Cho đến nay, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có sự phát triển vượt bậc, đạt giá trị gần 800 tỷ USD vào năm 2023. Hiện, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, xu hướng phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.
Ở Việt Nam, hiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Ở trong nước, mới chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty CP bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn.
Những năm gần đây, sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu đã và đang mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn khi thu hút được một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… tới xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao; đồng thời cần thời gian và một tầm nhìn dài hạn. Trong khi thực lực Việt Nam còn nhiều hạn chế như nhân lực trình độ cao, đồng thời thông thạo ngoại ngữ để có thể nắm bắt ngay công việc vẫn còn thiếu trầm trọng; việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực không thể triển khai ngay trong một thời gian ngắn. Đa phần các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ, trong khi để đầu tư nhà máy sản xuất chip đòi hỏi máy móc hiện đại, quy trình chuẩn mực, công suất đủ lớn và chi phí rất cao.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore... sang tìm hiểu và đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi và sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khánh thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia. Theo đó, nếu các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án bán dẫn sẽ được áp dụng những ưu đãi cao nhất khi hoạt động tại đây. Việt Nam còn có 3 Khu Công nghệ cao đã được xây dựng và phát triển tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng hiện đại và nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
Bàn về vấn đề này, bà Manju Geogre, Trưởng ban Tác dộng và tích hợp Chiến lược Diễn đàn kinh tế Thế giới cho rằng, để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện thêm một số giải pháp cụ thể như tập trung hỗ trợ và thúc đẩy các trường đại học lớn ở Việt Nam nghiên cứu chuyên môn, phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, bao gồm cả việc nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất; phát triển các ngành chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bán dẫn. Bên cạnh đó, việc thành lập một Trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn, đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài đó là điều rất quan trọng.