Để ứng dụng thành công blockchain
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong những năm gần đây đã có rất nhiều ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp được quan tâm triển khai trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục... Một vài chuỗi cung ứng, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang đưa blockchain vào thí điểm. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện vẫn còn khá mới mẻ nên doanh nghiệp cần trang bị kiến thức đủ sâu và toàn diện để có thể vận hành hiệu quả.
Blockchain là xu hướng phát triển tất yếu cho các doanh nghiệp trong tương lai |
Ông Vũ Anh Tú, giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã đi sớm và có thành tựu trong lĩnh vực blockchain. FPT cũng là một trong những công ty đầu tư nghiên cứu và triển khai blockchain sớm nhất Việt Nam. Với đội ngũ chuyên gia nền tảng blockchain cho nhiều khách hàng trong nước, nước ngoài và hiện tại các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ blockchain của FPT đang được ứng dụng tại loạt các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất, tài chính. Tại Tập đoàn FPT, blockchain hiện tại được ứng dụng vào nhiều sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT. Trong tương lai, blockchain dần trở thành trụ cột công nghệ ở Việt Nam khi được ứng dụng trong một số ngành như chính phủ số, logistics, fintech…
Trên thực tế, hiện mới chỉ một số lĩnh vực ứng dụng blockchain hiệu quả, mà nổi bật là ngành tài chính - ngân hàng. Là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng blockchain, MB chính thức tham gia mạng lưới Contour và triển khai thương mại dịch vụ thư tín dụng (L/C) ứng dụng công nghệ blockchain cho khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Dịch vụ L/C ứng dụng blockchain của MB cho phép thực hiện trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour. Dịch vụ này cũng đánh dấu bước tiến mới của MB trong lộ trình chuyển đổi số hoạt động tài chính ngân hàng, cụ thể là số hóa sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng xuất nhập khẩu, tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Tương tự, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank cũng đã ứng dụng công nghệ blockchain trong các hoạt động giao dịch tài chính.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, ngành Ngân hàng đã có sự đầu tư lớn, phát triển toàn diện về hạ tầng công nghệ các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, số doanh nghiệp ứng dụng thành công công nghệ blockchain chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn có nền tảng công nghệ tiên tiến, có khả năng tài chính mạnh. Mới đây, để phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn quốc, Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) chính thức được thành lập. Mục tiêu là thúc đẩy nền kinh tế số, sớm đưa Việt Nam ngang tầm quốc tế về kinh tế số và sẽ bắt đầu từ chương trình hành động thiết thực: Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ blockchain trong mọi mặt đời sống kinh tế.
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định, Hiệp hội cam kết góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu tư vấn xây dựng các hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Đại học trực tuyến Funix chia sẻ, blockchain sẽ là xu hướng phát triển cho các doanh nghiệp trong tương lai. Hiện chúng ta đang rất thiếu nhân sự trong lĩnh vực này. Ngay từ năm 2019, Funix đã chính thức đào tạo chương trình phát triển blockchain và các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia đã có sự phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cho lĩnh vực mới mẻ này. Đặc biệt Funix cũng là một trong 13 đơn vị đào tạo chính thức ký kết hợp tác toàn diện với Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đóng vai trò đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực Blockchain cho thị trường, thúc đẩy Blockchain trở thành công nghệ mũi nhọn của Việt Nam.