Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần 24-28/10 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/11, Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.697 VND/USD, tăng tiếp 2 đồng so với phiên đầu tuần. Sở giao dịch NHNN duy trì không niêm yết giá mua USD, giá bán được giữ nguyên ở mức 24.870 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 24.877 VND/USD, tăng 32 đồng so với phiên 31/10. Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tăng mạnh 170 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.350 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,17 - 0,89 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 6,12%; 1 tuần 7,03%; 2 tuần 7,35% và 1 tháng 7,70%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng mạnh 0,09 - 0,14 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 3,23%; 1 tuần 3,47%; 2 tuần 3,60%, 1 tháng 3,71%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp đi ngang ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 4,76%; 5 năm 4,83%; 7 năm 4,91%; 10 năm 4,95%; 15 năm 5,08%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, NHNN chào thầu 17.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 6,0%, có 16.999,99 tỷ đồng trúng thầu; bên cạnh đó có 7.000 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%, có 9.999,8 tỷ đồng trúng thầu; bên cạnh đó có 9.100,18 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 9.000,37 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 94.681,83 tỷ đồng, tín phiếu ở mức 79.986,80 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua, nhóm cổ phiếu tài chính giao dịch tích cực, nhất là ngân hàng, chứng khoán, nhiều mã hút tiền mạnh và giá tăng tốt. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,81 điểm (+0,57%) lên mức 1.033,75 điểm; HNX-Index thêm 1,93 điểm (+0,92%) đạt 212,36 điểm; UPCoM-Index tăng 0,20 điểm (+0,26%) lên 76,49 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch gần 11.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 765 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 1/11, hôm qua, giá xăng RON 95-III tăng thêm 410 đồng một lít, lên mức giá 22.750 đồng/lít; xăng E5 RON 92 đắt thêm 380 đồng, lên 21.870 đồng/lít; dầu diesel tăng 290 đồng một lít, mức giá mới là 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, có giá là 23.780 đồng/lít; dầu mazut tăng 190 đồng mỗi kg lên 14.080 đồng/kg. Đây là lần thứ 3 giá xăng tăng liên tiếp từ giữa tháng 10 đến nay.
Tin quốc tế
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ do ISM khảo sát ở mức 50,2% trong tháng 10, giảm so với mức 50,9 điểm của tháng trước đó song vẫn cao hơn mức 50,0 điểm theo dự báo. Đây là tháng thứ 4 trong 5 tháng gần nhất PMI sản xuất giảm điểm. Tiếp theo, nước Mỹ tạo ra 10,72 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 10 vừa qua, cao hơn mức 10,28 triệu của tháng trước đó đồng thời vượt xa so với kỳ vọng chỉ ở mức 9,75 triệu.
Trong phiên họp chính sách tiền tệ ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) cho biết áp lực lạm phát tại Úc đang cao, giống như phần lớn các quốc gia trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 3 thập kỷ. Lạm phát được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm nay ở mức 8%, sau đó sẽ hạ nhiệt vào năm sau với mức tăng 4,75%; và chỉ còn tăng trên 3% năm 2024.
RBA quyết định tăng lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, từ 2,60% lên 2,85% nhằm kìm hãm lạm phát, đồng thời quan sát thêm việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ đang ảnh hưởng tới người tiêu dùng thế nào trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang ở mức cao. RBA cam kết hướng tới ổn định lạm phát, đưa về mức mục tiêu 2,0-3,0% trong trung hạn.
Trong một phát biểu ngày hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, cơ quan này sẽ kiên trì với chính sách thắt chặt bằng cách tăng thêm lãi suất để đẩy lùi lạm phát, bất chấp nhiều quốc gia khu vực Eurozone có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Bà Lagarde nhấn mạnh, nhiệm vụ của ECB là đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0%.