Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/5
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 11/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.252 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.330 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên 8/5. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 30 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.370 - 23.390 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 11/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,23 - 0,31 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 1,63%; 1 tuần 1,75%; 2 tuần 1,95% và 1 tháng 2,27%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,05 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 0,23%; 1 tuần 0,35%; 2 tuần 0,51%, 1 tháng 0,92%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh 0,04 - 0,15 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 7 năm, cụ thể: 3 năm 1,84%; 5 năm 2,05%; 7 năm 2,53%; 10 năm 2,89%; 15 năm 3,10%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,5%. Trong phiên này tiếp tục không có khối lượng trúng thầu, thị trường không có khối lượng lưu hành.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức gần 81.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua diễn biến tích cực khi cả 3 sàn tràn ngập sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index tăng 14,6 điểm (+1,79%) lên 828,33 điểm; HNX-Index tăng 1,55 điểm (+1,41%) lên 111,57 điểm; UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+1,1%) lên 53,49 điểm.
Thanh khoản của thị trường ở mức cao, đạt gần 7.000 tỷ đồng, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 457 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại còn 2,7% trong năm nay, tuy nhiên sang năm 2021, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt mức 7%.
Suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm sút là hai yếu tố quan trọng khiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam từ mức trung bình 7% trong hai năm 2018 và 2019 bị sụt giảm mạnh xuống dự báo còn chưa đầy 3% năm 2020.
IMF dự báo, tăng trưởng của Việt Nam sẽ dần phục hồi lại do các biện pháp hạn chế đang được dỡ bỏ. Với các nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh và sự hồi phục dần của nhu cầu từ bên ngoài, sang năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ lên tới 7%.
Tin quốc tế
Hãng tin Reuters cho biết các quan chức Nhà Trắng bao gồm cố vấn kinh tế Larry Kudlow, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận về việc tung thêm một gói cứu trợ nữa cho các bang bị ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn sớm đưa đất nước trở lại với các hoạt động kinh tế, song ông vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ các vùng lãnh thổ thuộc Anh như Scotland, Wales và Bắc Ireland.
Liên quan đến mối quan hệ của Anh và EU, hai khối này có cuộc họp trực tuyến trong ngày hôm qua 11/5, song thị trường tỏ ra không mấy kỳ vọng về việc đạt được thỏa thuận thương mại cho thời kỳ hậu Brexit.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ nước này sẽ xem xét hộ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trả tiền thuê mặt bằng, trợ cấp cho các công ty bị giảm doanh thu. Bên cạnh đó, ông Abe đề cập đến việc xem xét lập kế hoạch bổ sung ngân sách thứ hai để trình lên quốc hội nước này vào giữa tháng 6 tới.