Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/5 Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 15/5, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.652 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Giá bán USD được Sở giao dịch NHNN niêm yết ở mức 24.784 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên trước đó, trong khi giá mua USD được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.451 VND/USD, giảm tiếp 7 đồng so với phiên 12/5.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do giảm 15 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 15/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,01 - 0,04 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống ngoại trừ giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 4,92%; 1 tuần 5,0%; 2 tuần 5,03% và 1 tháng 5,25%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tuần và tăng 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 4,85%; 1 tuần 4,91%; 2 tuần 5,0%, 1 tháng 5,17%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 7 năm, cụ thể: 3 năm 2,50%; 5 năm 2,52%; 7 năm 2,74%; 10 năm 3,04%; 15 năm 3,14%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/ kỳ hạn đều với lãi suất 5,0%; không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 2.078,32 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 2.078,32 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 6.712,94 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, sau khi tăng tích cực phiên sáng, lực xả bất ngờ tăng vọt cuối chiều khiến các chỉ số mất sạch đà tăng trước đó. Kết phiên, VN-Index giảm 1,19 điểm (-0,11%) về mức 1.065,71 điểm; HNX-Index mất 0,77 điểm (-0,36%) còn 214,33 điểm; UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,54%) đạt 80,48 điểm. Thanh khoản thị trường tăng với giá trị giao dịch trên 15.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 393 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 4 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán, bằng 82,4% mức thu bình quân quý I (thấp hơn khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng); lũy kế thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: thu nội địa ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán, bằng 79,6% mức thu bình quân quý I (giảm gần 29 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng; giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 86,4 USD/thùng, tăng 16,4 USD/thùng so với giá dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,15% dự toán.
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 110,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2022.
Tin quốc tế
Ủy ban Liên minh Châu Âu EC dự báo khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2023 và tăng 1,6% trong năm 2024, cùng cải thiện so với mức tăng 0,9% và 1,5% đưa ra hồi cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, EC cũng dự báo lạm phát tại Eurozone ở mức 5,8% trong năm 2023, cao hơn so với mức 5,6% theo dự báo cũ, sẽ tiếp tục hạ nhiệt xuống còn 2,8% trong năm 2024 nhưng vẫn cao hơn so với mức mục tiêu 2,0% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết sản lượng công nghiệp của khu vực Eurozone giảm mạnh 4,1% so với tháng trước trong tháng Ba sau khi tăng 1,5% ở tháng trước đó, sâu hơn khá nhiều so với mức giảm 2,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng trong tháng Ba cũng ghi nhận mức suy giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. Tại EU27 nói riêng, sản lượng công nghiệp trong tháng Ba giảm 3,6% so với tháng trước và 1,4% so với cùng kỳ.