Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/2
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-31/1 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 3/2, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.201 VND/USD, tiếp tục tăng 5 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.847 VND/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.265 VND/USD, tăng mạnh 45 đồng so với phiên 31/1. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.250 - 23.280 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên 3/2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,02 - 0,06 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 3,15%; 1 tuần 3,30%; 2 tuần 3,42% và 1 tháng 3,47%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 1,72%; 1 tuần 1,81%; 2 tuần 1,89%, 1 tháng 2,07%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: 3 năm 1,81%; 5 năm 2,11%; 7 năm 2,74%; 10 năm 3,28% và 15 năm 3,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở ngày 3/2, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất giữ ở mức 2,65%. Các tổ chức tin dụng hấp thụ được gần 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.000 tỷ đồng, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 30.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%, tiếp tục không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần, sự hoảng loạn diễn ra ngay từ đầu phiên giao dịch, có thời điểm VN-Index giảm hơn 43 điểm; tuy nhiên, lực cầu bắt đáy dâng cao vào cuối phiên đã thu hẹp đáng kể đà giảm của các chỉ số. Chốt phiên, VN-Index giảm 8,48 điểm (-0,91%) xuống 928,14 điểm; HNX-Index giảm 1,05 điểm (-1,03%) xuống 101,31 điểm; UPCOM-Index giảm 0,75 điểm (-1,36%) xuống 54,38 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức khá cao với tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.800 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 38 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Chỉ số Nhà quản trị PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei trong tháng 1 vẫn ở mức cao hơn ngưỡng không thay đổi 50 điểm khi đạt mức 50,6 điểm, giảm nhẹ từ mức 50,8 điểm trong tháng 12/2019. Điều này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đầu năm 2020 tiếp tục cải thiện ở mức khiêm tốn.
Tin quốc tế
Khảo sát của hãng ISM cho thấy chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ ở mức 50,9% trong tháng 1/2020, cao hơn so với mức 47,2% của tháng 12 và vượt qua dự báo ở mức 48,5%. Như vậy, đây là tháng đầu tiên lĩnh vực sản xuất của nước này mở rộng trở lại kể từ khi bắt đầu thu hẹp vào tháng 8/2019.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc PBOC giảm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,5% xuống còn 2,4% và kỳ hạn 14 ngày từ 2,65% xuống còn 2,55%. Bên cạnh đó, PBOC cũng cho biết sẽ bơm khoảng 1200 tỷ CNY tương đương với 173,8 tỷ USD vào thị trường thông qua các hợp đồng repo.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Úc cho biết số lượng cấp phép xây dựng tại nước này giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước trong tháng 12/2019 sau khi tăng mạnh 10,9% ở tháng trước đó, trái với dự báo giảm 5,0% của các chuyên gia. Trong cả năm 2019, số lượng cấp phép xây dựng của đã giảm 19,1% so với năm 2018.