Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-31/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/1 |
Tổng quan
Tháng Tết Âm lịch đầu năm Canh Tý 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao nhất trong 7 năm, đồng thời cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt nhẹ trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019.
So với tháng 12/2019, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá. Đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 2,29%. Tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%. Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%; giao thông tăng 0,69%. Đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%...
Cụ thể, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 cao; trong đó, nhóm thực phẩm tăng cao nhất ở mức 2,6%. Giá thực phẩm tăng làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% so với tháng trước.
Nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện lần lượt tăng 1,78% và 0,42%. Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 31/12/2019 và giảm vào ngày 16/1/2020, bình quân tháng 1/2020 giá xăng dầu tăng 1,29% so với tháng trước.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng trước, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 ước tính đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 ước đạt 19 tỉ USD, giảm 15,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,31 tỉ USD, giảm 23,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,69 tỉ USD, giảm 11,6%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm như dệt may đạt 2,6 tỉ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỉ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỉ USD, giảm 9,7%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kì năm trước như thủy sản đạt 550 triệu USD, giảm 25,2%; cà phê đạt 245 triệu USD, giảm 30,3% (lượng giảm 30,6%); hạt điều đạt 215 triệu USD, giảm 19,6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1 ước tính đạt 19,1 tỉ USD, giảm 14,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,7 tỉ USD, giảm 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,4 tỉ USD, giảm 11,3%. Như vậy, trong tháng 1, cả nước nhập siêu 100 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,3 tỉ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch đạt 4,8 tỉ USD, giảm 7,6% so với cùng kì năm trước; Trung Quốc đạt 3,7 tỉ USD, tăng 32,8%; thị trường EU đạt 2,6 tỉ USD, giảm 30,8%; ASEAN đạt 1,6 tỉ USD, giảm 34,8%; Nhật Bản đạt 1,6 tỉ USD, giảm 15,8%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỉ USD, giảm 29,3%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 6,2 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kì năm trước; Hàn Quốc đạt 3,2 tỉ USD, giảm 22,8%; ASEAN đạt 2,4 tỉ USD, giảm 10,8%; Nhật Bản đạt 1,5 tỉ USD, tăng 2,7%; EU đạt 1,2 tỉ USD, giảm 6,5%; Mỹ đạt 1,2 tỉ USD, tăng 5,4%.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), giai đoạn đầu năm, nhất là tháng 1 có Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán của Việt Nam và một số quốc gia châu Á, trong đó có đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn, trong khi các doanh nghiệp lại bước vào kỳ nghỉ dài ngày nên hoạt động xuất khẩu có phần trầm lắng.
Theo thông lệ hàng năm, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất đi vào quỹ đạo, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ trở lại trạng thái xuất siêu.
Thông tin thêm, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD. Trước mắt, trong vài tháng tới, nếu dịch cúm virus corona kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong 5 phiên từ 20-31/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng dần, đặc biệt tăng mạnh các phiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Chốt phiên 31/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.196 VND/USD, tăng mạnh 39 đồng so với phiên cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.842 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng trong 5 phiên vừa qua đã bật tăng trở lại, đặc biệt 2 phiên sau kỳ nghỉ lễ. Kết thúc phiên 31/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.220 VND/USD, tăng mạnh 50 đồng so với phiên cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ.
Sau khi giảm nhẹ 3 phiên trước kỳ nghỉ, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng khá mạnh trở lại 2 phiên cuối tuần qua. Chốt phiên 31/1, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng từ 20-31/1, lãi suất VND liên ngân hàng dao động tăng - giảm qua các phiên. Chốt phiên 31/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,13% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 3,33% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 3,44% (-0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 3,53% (-0,05 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng ít biến động ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Cuối phiên 31/1, lãi suất đứng ở mức qua đêm 1,72% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 1,81% (không thay đổi); 2 tuần 1,88% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,06% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong 5 phiên từ 20-31/1, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất phiên 20/1 ở mức 2,8%, phiên 21/1 ở mức 2,69% và 3 phiên còn lại ở mức 2,65%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 25.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 25.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành lên mức 25.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 13.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố trong 5 phiên này, 3 phiên đầu với kỳ hạn 14 ngày, 2 phiên cuối tuần vừa qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu đều ở mức 4,0%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Trên thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.526/5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ thành công 51%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động 413/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.113/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,88% (không đổi), kỳ hạn 15 năm tại 3% (tăng nhẹ 3 điểm), kỳ hạn 20 năm tại 3,15% (giảm 48 điểm).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp 5 phiên vừa qua đạt trung bình 7.808 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 9.706 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Thị trường chứng khoán 5 phiên trước và sau kỳ nghỉ lễ diễn biến tiêu cực khi các chỉ số giảm mạnh, đặc biệt 2 phiên cuối tuần vừa qua. Kết thúc ngày 31/1, VN-Index đứng ở mức 936,62 điểm, giảm mạnh 42,24 điểm (-4,32%) so với phiên cuối tuần trước nghỉ lễ; HNX-Index giảm 1,52 điểm (-1,46%) xuống 102,36 điểm; UPCOM-Index giảm 0,28 điểm (-0,51%) xuống mức 55,13 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt trên 4.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 424 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tại kỳ họp ngày 28-29/1 vừa qua, các quan chức FOMC quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách từ 1,5% - 1,75% khi cho rằng các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, Fed cũng tái khẳng định kế hoạch mua trái phiếu chính phủ Mỹ ít nhất đến hết quý II/2020 để tăng dự trữ của mình đến mức "bằng hoặc cao hơn" mức đã có vào đầu tháng 9/2019. Mặc dù vậy, Fed cũng bày tỏ quan ngại về các rủi ro địa chính trị vẫn đang hiện hữu như căng thẳng thương mại và dịch bệnh do virus Corona có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát tại Mỹ.
Ngày 31/1 vừa qua, nước Anh rời Liên minh Châu Âu, theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016. Trước đó ngày 21/1, Quốc hội Anh đã thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Boris Johnson, và ngày 29/1 thỏa thuận này tiếp tục nhận được đại đa số phiếu ủng hộ từ Nghị viện Châu Âu EP.
Như vậy, quan ngại về một Brexit không thỏa thuận đã hoàn toàn được dập tắt, Anh và EU sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng, cho đến ngày 31/12/2020. Trong thời gian này, Anh vẫn phải tuân thủ các quy định thương mại, dịch chuyển và kinh doanh của EU.
Liên quan đến NHTW Anh BOE, cơ quan này vừa có cuộc họp đầu năm 2020 trong tuần vừa qua. BOE cho biết các dấu hiệu đang nói lên kinh tế quốc nội Anh có thể sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng. Do đó, BOE không thay đổi lãi suất điều hành ở mức 0,75% trong kỳ họp lần này và có thể sẽ nâng dần lãi suất nếu lạm phát vượt mức mục tiêu 2,0% trong tương lai. Tuy nhiên, nếu diễn biến đi ngược với kỳ vọng, bất lợi cho nền kinh tế và lạm phát, BOE sẽ hạ dần lãi suất để kéo lạm phát về lại quanh ngưỡng mục tiêu.