Điểm lại thông tin kinh tế tuần 20/06 - 24/06/2022
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/6 |
NHNN lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng.
Ngay từ năm 2021, sau 4 năm thực hiện Thông tư 39, các NHTM đã kiến nghị NHNN về một số nội dung các TCTD thấy chưa hợp lý trong quá trình áp dụng Thông tư, đó là chưa có quy định áp dụng các phương tiện điện tử vào hoạt động cho vay; chưa đưa ra tiêu chí cho vay cho một số đối tượng vay... Một trong những vấn đề chung cần xem xét sửa đổi, bổ sung là những quy định cho phép hoạt động cho vay có sử dụng phương thức điện tử.
Hiện nay, các TCTD đều đang từng bước số hóa các hoạt động ngân hàng, một định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thị trường. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định hướng dẫn, điều chỉnh về hoạt động cho vay điện tử này dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu, áp dụng pháp luật. Một vướng mắc nữa trong quy định của Thông tư 39 là quy định chủ thể vay vốn chỉ có cá nhân, pháp nhân, trong khi nền kinh tế còn nhiều chủ thể khác như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác…
Ngoài ra, còn một số bất cập khác như quy định về thời hạn cho vay, điều kiện vay vốn, không được cho vay để trả nợ khoản vay tại chính TCTD đó, lãi suất cho vay, phí liên quan đến hoạt động cho vay… Dự thảo đưa ra lấy ý kiến đã bổ sung, sửa đổi những ý kiến đóng góp từ phía các TCTD.
Đó là, Dự thảo Thông tư bổ sung điều khoản quy định Hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử. TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải thực hiện quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động hóa, trong đó cần áp dụng các mô hình giám sát rủi ro và cảnh báo sớm để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận.
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư bổ sung đối tượng vay vốn của TCTD, ngoài pháp nhân, cá nhân như ở Thông tư hiện tại, thêm hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân). Việc cho vay đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được xác lập qua đại diện theo ủy quyền quy định.
Một vấn đề quan trọng được quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi là quản lý hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản. Trong dự thảo, NHNN nêu rõ TCTD không được cho vay để thanh toán tiền đặt cọc cho các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện thực hiện như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Theo NHNN, TCTD vẫn cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc BĐS hình thành trong tương lai, tuy nhiên, hầu hết các dự án BĐS được chuyển nhượng chưa đủ điều kiện như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Sau khi TCTD cấp tín dụng, khách hàng và chủ đầu tư có thể hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong dự thảo, NHNN cũng quy định cấm TCTD không được cho vay đối với các nhu cầu vốn bao gồm: Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư; để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm; để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư; để mua vàng miếng. Quy định cũng sẽ cấm cho vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính TCTD cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay mà TCTD và khách hàng đã xác định ngay từ ban đầu khi ký thỏa thuận cho vay phù hợp với quy định pháp luật liên quan; để trả nợ khoản cấp tín dụng tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Tóm lược thị trường trong nước từ 20/06 - 24/06
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 20/06 - 24/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng nhẹ. Phiên cuối tuần 24/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.105 VND/USD, tăng 16 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 24/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.252 VND/USD, tăng nhẹ 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do gần như không thay đổi trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 24/06, tỷ giá tự do tăng 40 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.940 VND/USD và 23.970 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 20/06 - 24/06, lãi suất VND LNH liên tục tăng ở tất cả các phiên. Chốt ngày 24/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,64% (+0,25 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,24% (+0,17 đpt); 2W 1,71 (+0,21 đpt); 1M 2,16% (+0,01 đpt).
Lãi suất USD LNH chỉ còn tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt tuần 24/06, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 1,64% (+0,05 đpt); 1W 1,74% (+0,01 đpt); 2W 1,83% (+0,02 đpt) và 1M 1,98% (+0,06 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 20/06 - 24/06, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 529,64 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 1.020,34 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày. Có 69.599,5 tỷ đồng trúng thầu, trong đó 200 tỷ đồng với lãi suất 0,3%, số còn lại với lãi suất 0,7%.
Như vậy, NHNN hút ròng 70.090,2 tỷ VND từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 1.362,5 tỷ VND, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 69.599,5 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 20/06, NHCSXH huy động thành công 1.500/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 50%). Toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 3 năm, lãi suất trúng thầu 2,4%/năm (+0,1% so với phiên trước). Lũy kế từ đầu năm đến nay, NHCSXH huy động thành công 4.200 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 22/06, KBNN huy động thành công 3.070/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.570/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 2,46%/năm (+0,03%) và 2,76%/năm (+0,03%).
Trong tuần vừa qua từ 20 - 24/06 có 500 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần này từ 27/06 - 01/07 có 2.700 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 27/06, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.500 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 29/06, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.971 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 7.425 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 24/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,78% (+0,08 đpt); 2 năm 2,07% (+0 đpt); 3 năm 2,18% (+0,02 đpt); 5 năm 2,4% (+0,01đpt); 7 năm 3,02% (-0,02 đpt); 10 năm 3,29% (-0,02 đpt); 15 năm 3,49% (0 đpt); 30 năm 3,59% (+0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 20/06 - 24/06, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến 1 tuần giảm điểm của các chỉ số chính. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 24/06, VN-Index đứng ở mức 1.185,48 điểm, tương ứng giảm mạnh 31,82 điểm (-2,61%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 4,30 điểm (-1,47%) còn 275,93 điểm; UPCom-Index đi ngang với mức 87,10 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh với giá trị giao dịch trung bình hơn 14.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 1.245 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Chủ tịch Fed Jerome Powell có những phát biểu quan trọng, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Trong tuần qua, phát biểu trước Ủy ban Thượng viện Ngân hàng Mỹ, ông Powell cho biết Fed không muốn kích hoạt một đợt suy thoái, mặc dù đây là một kịch bản có thể xảy ra. Ông cũng nhận định rằng bối cảnh thế giới đang khiến cho việc hạ lạm phát có thể gây ra một số hậu quả.
Song, vị Chủ tịch Fed nhấn mạnh chống lạm phát là nghĩa vụ vô điều kiện của cơ quan này. Liên quan đến kinh tế Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 18/06 ở mức 229 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 231 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với mức 227 nghìn đơn theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán nhà cũ nước này ở mức 5,41 triệu căn trong tháng 5, thấp hơn một chút so với mức 5,60 triệu căn của tháng 4, gần khớp với dự báo ở mức 5,40 triệu căn.
Tuy nhiên, doanh số bán nhà mới trong tháng vừa qua đạt 696 nghìn căn, cao hơn so với 629 nghìn căn của tháng 4 và đồng thời cao hơn nhiều so với mức 590 nghìn căn theo dự báo. Cuối cùng, IHS Markit khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ lần lượt ghi nhận 52,4 và 51,6 điểm trong tháng 6, giảm so với 57,0 và 53,4 điểm của tháng 5, đồng thời cùng thấp hơn mức 56,0 và 53,9 điểm theo kỳ vọng.
Nước Anh ghi nhận nhiều thông tin kinh tế không mấy lạc quan, đặc biệt là áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Cụ thể, CPI toàn phần tại Anh tăng 9,1% y/y trong tháng 5, cao hơn mức tăng 9,0% của tháng 4 và khớp với dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi của Anh chỉ tăng 5,9% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng 6,2% của tháng 4 và đồng thời thấp hơn mức tăng 6,0% theo dự báo.
Như vậy, CPI toàn phần của nước Anh tiếp tục ghi nhận mức tăng kỷ lục mới trong 40 năm. Cũng trong tháng vừa qua, doanh số bán lẻ của nước Anh giảm 0,5% m/m sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, gần khớp với mức giảm 0,6% theo dự báo. So với thời điểm trước khi bị dịch Covid-19 tác động, doanh số bán lẻ tại Anh tăng khoảng 2,6%. Niềm tin tiêu dùng tại nước Anh do GfK khảo sát ở mức -41 điểm trong tháng 6, giảm nhẹ từ mức -40 điểm của tháng 5, đánh dấu tháng giảm điểm thứ 7 liên tiếp.
Về lĩnh vực sản xuất, IHS Markit khảo sát được PMI lĩnh vực này tại Anh đạt 53,4 điểm trong tháng 6, giảm từ 54,6 điểm của tháng 5 và gần khớp dự báo ở 53,5 điểm. Mặc dù vậy, PMI lĩnh vực dịch vụ ghi nhận mức 53,4 điểm; đi ngang so với kết quả của tháng 5 và trái với dự báo giảm nhẹ còn 53,0 điểm.