Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/1 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/2 |
Tổng quan
Ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị, năm 2022, nguồn cung bất động sản nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu. Cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Đối với nhà ở công nhân, trên cả nước có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Lượng giao dịch thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền thành công tăng cao nhất vào quý II sau đó giảm và thấp nhất vào quý IV. Giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản, Lãnh đạo NHNN thông tin, năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%, riêng lĩnh vực bất động sản tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.
Tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là khoảng trên 400.000 tỷ đồng (chiếm khoảng trên 30%).
Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn ngoại đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022.
Theo Bộ Xây dựng, những khó khăn, vướng mắc thị trường bất động sản gặp phải trong thời gian qua gồm: liên quan đến pháp luật về đất đai: khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án); khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai; giá bán, giá cho thuê, mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp,... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp…
Các doanh nghiệp bất động sản thì đưa ra những khó khăn về cơ chế, vay vốn, thiếu vốn để trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn…
Các cơ quan chủ quản cũng như doanh nghiệp đưa ra những đề xuất để hỗ trợ thị trường bất động sản như: hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)......; Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016) cấp cho các NHTM để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay; hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu; Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 65 để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; nghiên cứu hình thức chuyển đổi trái phiếu thành bất động sản; đề nghị xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư…
Về các giải pháp cho thị trường bất động sản từ phía NHNN, NHNN cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; tiết kiệm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn.
Về định hướng tín dụng, năm nay, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái.
NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản. NHNN đã họp với 4 NHTM Nhà nước, các NHTMNN thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất. Về cơ cấu thời hạn trả nợ, NHNN sẽ tham chiếu ý kiến đánh giá của Bộ Xây dựng xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, để có các giải pháp tháo gỡ riêng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, không ai giải cứu ai.
Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này, nhưng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tinh thần Hội nghị, các chủ thể phải thực hiện ngay các công việc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Thị trường trong nước từ 13-17/2
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 13-17/2, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng cả 5 phiên. Chốt ngày 17/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.639 VND/USD, tăng 13 đồng so với cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở 23.450 VND/USD, giá bán ở 24.780 VND/USD.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 17/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.822 VND/USD, tăng 247 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do cũng nằm trong xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên 17/2, tỷ giá tự do tăng 70 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.645 VND/USD và 23.695 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 13-17/2, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 17/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,67% (-0,30 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 5,09% (-0,36 điểm phần trăm); 2 tuần 5,51% (-0,62 điểm phần trăm); 1 tháng 6,40% (-0,73 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 17/2, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,43% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,58% (không thay đổi); 2 tuần 4,70% (không thay đổi) và 1 tháng 4,83% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 13-17/2, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 6,0%, có 229,06 tỷ đồng trúng thầu; có 8.407,22 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất, có 86.999,5 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất trúng thầu từ mức 4,69% xuống mức 3,79% và có 15.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày với lãi suất từ 5,75% xuống mức 5,5%; có 84.999,5 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 25.178,16 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 21.223,06 tỷ đồng, tín phiếu NHNN ở mức 101.999,5 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 15/2, Kho bạc Nhà nước huy động 12.750 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 9.590 tỷ đồng (đạt 75%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 750 tỷ đồng; 10 năm huy động được 5.500 tỷ và 15 năm huy động được 3.340 tỷ. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm ở mức 3,65%; lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 4,07%/năm và 4,27%/năm, cùng giảm 0,03 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu tuần trước. Tuần vừa qua không có khối lượng đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu tuần này, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 7.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 7 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 3.500 tỷ và kỳ hạn 15 năm gọi 3.500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.171 tỷ đồng/phiên, tăng khá mạnh so với mức 5.547 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 17/2, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,76% (+0,02 điểm phần trăm); 2 năm 3,76% (+0,02 điểm phần trăm); 3 năm 3,78% (+0,02 điểm phần trăm); 5 năm 3,8% (-0,01 điểm phần trăm); 7 năm 3,82% (+0,06 điểm phần trăm); 10 năm 4,18% (+0,06 điểm phần trăm); 15 năm 4,38% (+0,06 điểm phần trăm); 30 năm 4,89% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 13-17/2 giảm điểm 2 phiên đầu tuần và phục hồi tích cực sau đó. Chốt ngày 17/2, VN-Index đứng ở mức 1.059,31 điểm, tăng 15,61 điểm (+1,50%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 5,46 điểm (+2,67%) lên 209,95 điểm; UPCoM-Index tăng 1,74 điểm (+2,25%) đạt 78,94 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình đạt gần 9.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 1.037 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ ghi nhận một số thông tin đáng chú ý. Đầu tiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của nước này tăng 0,5% so với tháng trước trong tháng 1/2023 sau khi giảm 0,2% ở tháng 12/2022, khớp với dự báo của các chuyên gia. CPI lõi trong tháng vừa qua cũng tăng 0,4% so với tháng trước như dự báo, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng trước đó.
CPI toàn phần trong tháng đầu năm 2023 tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 6,5% của tháng 12/2022.
Về chỉ số giá sản xuất, PPI toàn phần tại nước này tăng 0,7% so với tháng trước trong tháng 1 sau khi giảm nhẹ 0,2% ở tháng 12/2022, vượt qua mức tăng 0,4% theo dự báo. PPI lõi cũng cho thấy mức tăng 0,5% so với tháng trước trong tháng 1, cao hơn mức tăng ở tháng trước đó đồng thời là dự báo của các chuyên gia ở mức 0,3%.
PPI toàn phần và PPI lõi lần lượt tăng 6,0% và 4,5% so với cùng kỳ trong tháng đầu năm, cùng thấp hơn so với mức tăng 6,5% và 4,7% ở tháng 12/2021.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 2,3% và 3,0% trong tháng 1/2023 sau khi cùng giảm 1,1% ở tháng trước đó, tích cực hơn so với dự báo lần lượt tăng 0,9% và 1,9%.
Sau các thông tin trên, lần lượt các quan chức của Fed gồm bà Loretta Mester và ông Jame Bullards cùng phát biểu cho rằng điều kiện kinh tế hiện tại phù hợp với một mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách tới. Dù vậy, cả hai quan chức này đều không thuộc Hội đồng chính sách tiền tệ Fed (FOMC).
Hiện tại, công cụ dự báo của CME vẫn cho thấy có 82% khả năng Fed sẽ tăng nhẹ lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo ngày 22/3, áp đảo hơn nhiều so với 18% khả năng tăng 50 điểm cơ bản.
Thị trường Anh đón nhiều thông tin kinh tế tích cực. Tuần qua, Văn phòng Thống kê Anh thông báo chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 10,1% và 5,8% so với cùng kỳ trong tháng 1/2023, thấp hơn mức 10,5% và 6,3% của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức tăng 10,3% và 6,2% theo dự báo. Đây là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận CPI so với cùng kỳ của Anh giảm tốc.
Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Anh giảm 12,9 nghìn đơn trong tháng đầu năm sau khi tăng 19,7 nghìn ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng 17,9 nghìn đơn. Thu nhập bình quân của người dân Anh tăng 5,9% trong 3 tháng tính đến tháng 1/2023, giảm tốc so với mức tăng 6,4% ở 3 tháng tính đến tháng 12/2022, đồng thời thấp hơn mức tăng 6,2% theo kỳ vọng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh ghi nhận ở mức 3,7% trong tháng vừa qua, không thay đổi so với tháng trước đó và khớp với dự báo.
Liên quan tới lĩnh vực bán lẻ, doanh số tại thị trường Anh tăng 0,5% so với tháng trước trong tháng 1, sau khi giảm 1,2% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục giảm 0,3%.