Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 16-20/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/3 |
Tổng quan
Để đối phó với tác động tiêu cực lên kinh tế của dịch cúm Covid-19, hàng loạt Chính phủ cũng như ngân hàng trung ương các nước như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, ngân hàng trung ương Anh BOE, ngân hàng trung ương Úc RBA, ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ đã đưa ra nhiều động thái chính sách khác nhau.
Ngoài các ngân hàng trung ương lớn này, các ngân hàng trung ương khác như BOK của Hàn Quốc, RBNZ của New Zealand cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản trong tuần qua nhằm ổn định nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng vì những hậu quả từ dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động nhanh chóng phản ứng với tình hình. Ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Lãi suất trên thị trường 1 cũng được điều chỉnh: trần lãi suất huy động VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng - 6 tháng giảm 0,25%/năm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm... Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm...
Ngoài ra, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm. Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm.
Theo ý kiến chuyên gia, quyết định hạ lãi suất cơ bản và một loạt lãi suất điều hành này là động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường và các ngân hàng thương mại.
Trước đó, vào năm 2019 Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần giảm các loại lãi suất chủ chốt (tháng 9 và tháng 11) nhưng với bước giảm khá nhẹ chỉ 0,25%/năm trong mỗi lần điều chỉnh.
Các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước là một động thái chính sách cần thiết, tạo thêm nguồn lực tài chính cho các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại lớn để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính do dịch Covid-19. Quyết định trên cũng phát đi tín hiệu lãi suất có xu hướng giảm, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sắp tới đây khi mà dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khá thận trọng khi đánh giá về tác động của động thái này của Ngân hàng Nhà nước. Về việc giảm lãi suất điều hành khá mạnh lần này có thể tác động sẽ không lớn.
Thực tế, thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, khả năng phải sử dụng các công cụ trợ giúp thanh khoản khẩn cấp của Ngân hàng Nhà nước như tái cấp vốn, cho vay qua đêm… là thấp.
Đối với lãi suất cho vay, việc hạ lãi suất cho vay sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp, song tác động này có thể mang tính trung, dài hạn. Cụ thể, giảm lãi suất điều hành chỉ tác động tới các khoản vay mới, trong khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu, do kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong…
Cũng có ý kiến lo ngại việc hạ lãi suất cho vay có thể tác động đến lạm phát, tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều thống nhất mặc dù CPI 2 tháng đầu năm cao, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá dầu và các loại hàng hóa giảm khiến cho áp lực lạm phát năm 2020 là không lớn.
Về phía lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã giảm ngay sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, song tiền gửi vẫn là một trong những kênh đầu tư tối ưu nhất hiện nay khi dòng tiền đầu tư đang chịu tác động chi phối bởi diễn biến dịch bệnh, khi biến số này còn chưa được kiểm soát thì tâm lý thị trường vẫn tiêu cực và dòng tiền sẽ vẫn tìm đến kênh tiền gửi dù lãi suất có thấp.
Tóm lại, theo chuyên gia, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không nhằm mục đích kích cầu mà tác động quan trọng nhất là hỗ trợ các ngân hàng thương mại, hỗ trợ cho doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn này để mà có khả năng phục hồi khi dịch cúm đi qua.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 16-20/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh ở cả 5 phiên. Chốt phiên cuối tuần 20/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.252 VND/USD, tăng mạnh 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.900 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng 3 theo xu hướng tăng mạnh trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 20/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.460 VND/USD, tăng mạnh 250 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự cũng trong xu hướng tăng mạnh. Chốt phiên 20/3, tỷ giá tự do tăng 330 đồng ở chiều mua vào và 340 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.650 - 23.720 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần qua trái với tuần trước đó, tuần từ ngày 16-20/3, lãi suất VND liên ngân hàng giảm qua tất cả các phiên ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt phiên 20/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,02% (-0,26 điểm phần trăm); 1 tuần 2,24% (-0,24 điểm phần trăm); 2 tuần 2,44% (-0,16 điểm phần trăm); 1 tháng 2,70% (-0,05 điểm phần trăm).
Ba phiên đầu tuần, lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục đà giảm của tuần trước đó, tuy nhiên đã tăng trở lại ở 2 phiên cuối tuần. Cuối phiên 20/3, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,27% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 1,38% (+0,05 điểm phần trăm); 2 tuần 1,42% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,51% (-0,05 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 16-20/3, Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần qua, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 4,0% trong phiên đầu tuần, 4 phiên sau đó giảm xuống mức 3,5%. Chỉ có 1 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm ròng 1 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 1.300 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 26%). Trong đó, toàn bộ khối lượng huy động được ở kỳ hạn 15 năm, lãi suất 2,53%/năm - tăng nhẹ 0,02% so với phiên đấu thầu trước; kỳ hạn 10 năm không có khối lượng trúng thầu. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 2,3 lần, số thành viên tham dự từ 7 – 12 thành viên.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.979 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 15.413 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua tăng mạnh so với tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 20/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,77% (+0,24 điểm phần trăm); 2 năm 1,79% (+0,19 điểm phần trăm); 3 năm 1,86% (+0,20 điểm phần trăm); 5 năm 2,08% (+0,23 điểm phần trăm); 7 năm 2,39% (+0,37 điểm phần trăm); 10 năm 2,84% (+0,45 điểm phần trăm); 15 năm 2,93% (+0,45 điểm phần trăm); 30 năm 3,21% (+0,15 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến một tuần tiêu cực khi các chỉ số chính giảm điểm ở hầu hết các phiên. Kết thúc ngày cuối tuần 20/3, VN-Index đứng ở mức 709,73 điểm, giảm mạnh 52,05 điểm (-6,83%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 0,41 điểm (+0,40%) lên 101,79 điểm; UPCOM-Index giảm 0,64 điểm (-1,27%) xuống mức 49,85 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 4.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị gần 3.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Đầu tuần qua ngày 16/3 theo giờ Việt Nam, Fed bất ngờ có cuộc họp chính sách sớm trước kỳ họp định sẵn ngày 18/3. Trong phiên họp này Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% xuống còn 0,25% nhằm hỗ trợ kinh tế quốc nội, duy trì mục tiêu phát triển việc làm tối đa và ổn định giá cả.
Sauk hi hạ lãi suất, ngày 18/3 Fed thông báo bổ sung thanh khoản khoản bằng cách cấp tín dụng có thế chấp với kỳ hạn từ qua đêm đến 90 ngày cho 24 ngân hàng thương mại lớn nhất tại Mỹ, nhằm hỗ trợ tín dụng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Tiếp theo, Fed công bố mở hạn mức hoán đổi USD cho thêm 9 ngân hàng trung ương ngoài 5 ngân hàng trung ương của Eurozone, Anh, Nhật Bản, Canada và Thụy Sỹ vẫn đang sử dụng trước đó. 9 ngân hàng trung ương này là của các nước Úc, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Singapore, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và New Zealand. Các ngân hàng này có thể dùng nội tệ của mình hoán đổi khoảng 450 tỷ USD trong vòng ít nhất 6 tháng để giảm bớt căng thẳng thiếu hụt USD trên thị trường thế giới.
5 ngân hàng trung ương ban đầu cũng đã thông báo, từ 23/3 đến hết tháng 4 sẽ tăng sử dụng hạn mức hoán đổi kỳ hạn 7 ngày từ mức độ hàng tuần lên hàng ngày và sẽ sử dụng hạn mức 84 ngày hàng tuần.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của nước này lần lượt giảm 0,4% và 0,5% so với tháng trước trong tháng vừa qua sau khi cùng tăng 0,6% ở tháng trước đó, trái với dự báo lần lượt tăng 0,1% và 0,2%.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 13/3 tại Mỹ là 281 nghìn đơn, tăng mạnh so với 211 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt xa dự báo ở mức 220 nghìn đơn.
Tại Anh, ngày 19/3, BOE tổ chức cuộc họp khẩn cấp lần hai trong tháng 3, hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0,1% từ mức 0,2% trước đó. Ngân hàng trung ương này cũng cho biết sẽ dùng dự trữ để mua thêm khoảng 200 tỷ GBP trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp nâng mức nắm giữ lên khoảng 645 tỷ GBP.
Liên quan đến thị trường lao động Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia của nước này cho biết thu nhập bình quân của người lao động tăng 3,1% trong tháng 1, cao hơn mức tăng 2,9% của tháng trước đó đồng thời cao hơn kỳ vọng ở mức 3,0%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng trong tháng 1 đã tăng lên 3,9%; trái với dự báo đứng vững ở mức 3,8% như tháng 12/2019.
Điều đáng chú ý là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của người lao động đã tăng thêm 17,3 nghìn đơn trong tháng 2, vượt rất nhiều so với dự báo chỉ ở mức 6,2 nghìn đơn.
Ngân hàng trung ương Úc RBA cũng là một trong những ngân hàng trung ương lớn hạ khẩn cấp lãi suất nhằm đối phó tác động của dịch. Ngày 19/3, RBA tổ chức cuộc họp bất thường, quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức 0,50% xuống còn 0,25%, là mức lãi suất cơ bản thấp nhất trong lịch sử Úc. Cũng trong lần họp này, RBA lần đầu tiên kích hoạt nới lỏng định lượng QE, cung cấp ít nhất 90 tỷ AUD cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Liên quan đến kinh tế Úc, doanh số bán lẻ trong tháng 2 của nước này tăng 0,4% so với tháng trước sau khi giảm 0,3% ở tháng 1, là kết quả khi người dân tích trữ nhiều mặt hàng trong thời kỳ dịch bệnh.
Cũng trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp của Úc giảm xuống còn 5,1% từ mức 5,3% của tháng 1, số việc làm nước này tạo ra trong tháng vừa qua cũng ở mức cao 26,7 nghìn việc làm mới, vượt trội so với 12,9 nghìn của tháng 1 và 8,5 nghìn theo dự báo của các chuyên gia.