Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27 - 31/3
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất điều hành | |
Quý I/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% |
Tổng quan
Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP quý I/2023 của Việt Nam đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Đáng chú ý, tại khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nguyên nhân do ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm. Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2023 là khá đáng kể: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Có thể thấy, quý I năm nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn như: chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi có nguy cơ thua lỗ; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% như mục tiêu của Chính phủ, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…
Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn có thể đi theo xu hướng này. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam quý II sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.
Ngày 31/3/2023, NHNN ban hành các quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 3/4/2023, cụ thể như sau: (1) Quyết định số 574/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giữ nguyên ở mức 6,0%/năm; (2) Quyết định số 575/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường; (3) Quyết định số 576/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Theo đó, lãi suất cho vay theo tiêu chí này giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; (4) Quyết định số 577/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hểm Tiền gửi tại NHNN quy định, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của KBNN giữ ở mức 0%/năm; (5) Quyết định số 578/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
Đây là lần thứ hai NHNN điều chỉnh các lãi suất điều hành trong tháng 3/2023 nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 27 - 31/3, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng giảm nhẹ luân phiên. Chốt ngày 31/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.600 VND/USD, đi ngang so với cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở 23.450 VND/USD, giá bán USD ở 24.780 VND/USD.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng tiếp tục giảm dần trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 31/03, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.459 VND/USD, giảm tiếp 66 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do biến động tăng - giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên 31/3, tỷ giá tự do giảm 50 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 80 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.420 VND/USD và 23.470 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 27 - 31/3, lãi suất VND liên ngân hàng giảm nhẹ trong những phiên đầu tuần nhưng tăng khá mạnh trở lại ở phiên Thứ Sáu. Chốt ngày 31/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,50% (+0,30 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 2,20% (+0,30 điểm phần trăm); 2 tuần 2,73% (-0,17 điểm phần trăm); 1 tháng 4,50% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng nhẹ. Phiên cuối tuần 31/3, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,62% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 4,73% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 4,90% (+0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,0% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 27 - 31/3, NHNN chào thầu 25.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5% song không có khối lượng trúng thầu, bên cạnh đó cũng không có khối lượng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu và cũng không có tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại ở mức 1.201,98 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 110.699,8 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu ngày 29/3, Kho bạc Nhà nước huy động 13.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 10.916 tỷ đồng (đạt 81%); trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 1.500 tỷ đồng, 10 năm là 2.845 tỷ đồng, 15 năm là 4.721 tỷ đồng, 20 năm là 1.000 tỷ đồng và 30 năm là 850 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5 năm 2,93% (-0,37 điểm phần trăm so với lần trúng thầu trước); 10 năm 3,45% (-0,15 điểm phần trăm), 15 năm 3,60% (-0,24 điểm phần trăm), 20 năm 3,75% (-1,0 điểm phần trăm) và 30 năm 3,80% (-0,40 điểm phần trăm).
Tuần vừa qua không có trái phiếu chính phủ đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 3 - 7/4, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm gọi 2.000 tỷ và kỳ hạn 30 năm gọi 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.205 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 8.285 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 31/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,92% (-0,46 điểm phần trăm); 2 năm 2,92% (-0,46 điểm phần trăm); 3 năm 2,92% (-0,47 điểm phần trăm); 5 năm 2,95% (-0,46 điểm phần trăm); 7 năm 2,8% (-0,63 điểm phần trăm); 10 năm 3,24% (-0,24 điểm phần trăm); 15 năm 3,42% (-0,25 điểm phần trăm); 30 năm 3,92% (-0,44 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 27 - 31/3, thị trường chứng khoán tăng điểm. Chốt ngày 31/3, VN-Index đứng ở mức 1.064,64 điểm, tăng 17,85 điểm (+1,71%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,78 điểm (+0,87%) lên mức 207,50 điểm; UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (+0,77%) còn 76,76 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng cải thiện với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 11.300 tỷ đồng/phiên so với mức 9.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng gần 970 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, GDP của nước này chính thức tăng 2,6% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, điều chỉnh xuống so với mức 2,7% theo kết quả thống kê sơ bộ lần 2.
Về áp lực lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng lõi (PCE) tại Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng Hai, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng Một, thấp hơn mức tăng 0,4% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2022, PCE lõi tháng Hai tăng 4,6%, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,7% ghi nhận ở tháng Một.
Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 104,2 điểm trong tháng Ba, tăng lên từ 103,4 điểm của tháng Hai và trái với dự báo giảm xuống còn 101,0 điểm.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 25/3 ở mức 198 nghìn đơn, tăng lên từ 191 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn một chút so với mức 196 nghìn đơn theo dự báo.
Cuối cùng, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ tiếp tục tăng 0,8% so với tháng trước trong tháng Hai sau khi tăng vọt 8,1% ở tháng Một, trái với dự báo giảm 2,9%.
Trong buổi phát biểu trước Ủy ban Ngân khố Hạ viện Anh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey không cho rằng trạng thái hiện tại giống như 2007 - 2008, hệ thống ngân hàng Anh đang rất vững mạnh cả về vốn và thanh khoản. Song ông cũng cảnh báo các biến cố về ngân hàng trên thế giới có thể dẫn đến tình trạng thắt chặt cho vay diện rộng, và BoE sẽ luôn cảnh giác với các sự kiện có thể xảy ra.
Theo một báo cáo của BoE, lượng cấp tín dụng cá nhân trong tháng Hai chỉ đạt khoảng 2,2 tỷ bảng Anh, thấp hơn nhiều so với mức 3,7 tỷ bảng của tháng trước đó và nối tiếp xu hướng giảm kể từ mức 8,3 tỷ bảng hồi tháng 4/2022.
Liên quan tới kinh tế Anh, GDP của nước này chính thức tăng 0,1% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, điều chỉnh tích cực hơn so với kết quả 0,0% so với cùng kỳ của báo cáo sơ bộ.
Tiếp theo, giá nhà tại nước Anh giảm mạnh 0,8% so với tháng trước trong tháng Ba, nối tiếp đà giảm 0,5% của tháng Hai, sâu hơn mức giảm 0,3% theo dự báo đồng thời đánh dấu tháng suy giảm thứ 6 liên tiếp. So với cùng kỳ 2022, giá nhà tại nước Anh giảm 3,1% trong tháng Ba.
Khu vực Eurozone đón các thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, tại thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone ở mức 6,6% trong tháng Hai, không thay đổi so với kết quả của tháng trước đó.
Tiếp theo, về lạm phát, CPI tại Eurozone tăng 6,9% so với cùng kỳ trong tháng Ba, thấp hơn mức 8,5% của tháng Hai và thấp hơn mức 7,1% theo dự báo. Tuy nhiên CPI lõi tháng Ba tăng 5,7%, cao hơn mức tăng 5,6% của tháng trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu do giá các mặt hàng cơ bản tại một số quốc gia lớn như Đức, Ý và Pháp vẫn tăng khá mạnh trong tháng vừa qua.
Tại nước Đức nói riêng, CPI lõi của quốc gia này tăng mạnh 0,8% so với cùng kỳ trong tháng Ba, bằng với đà tăng của tháng Hai và cao hơn so với dự báo ở mức 0,7%.
Chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức do Ifo khảo sát cũng tăng lên mức 93,3 điểm trong tháng vừa qua, từ mức 91,1 điểm của tháng Hai, là mức niềm tin kinh doanh cao nhất mà nước này đạt được kể từ tháng 3/2022.