Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 6-10/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/3 |
Tổng quan
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và tạm ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2023.
Một số thay đổi lớn bao gồm: Nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm nếu có sự đồng ý của trái chủ; Hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến 31/12/2023.
Bên cạnh việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành thì doanh nghiệp khi phát hành ra thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định khác có liên quan. doanh nghiệp phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch, trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng vẫn cần phải thực hiện các quy định khác tại Nghị định 65 như phải hiểu về doanh nghiệp, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và kí cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh nếu có.
Việc ban hành Nghị định 08 được đánh giá là khá kịp thời, nối tiếp những chỉ đạo trước đó của Chính phủ. Tại Nghị quyết 143/NQ-Chính phủ ngày 4/11/2022, Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi nếu cần thiết.
Tiếp theo, đầu tháng 12/2022, Thủ tướng chỉ đạo thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng, Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng, Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.
Ngày 13/12/2022, Bộ tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65.
Gần nhất, ngày 9/3, Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 cũng yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 12% tổng dư nợ toàn thị trường.
Các doanh nghiệp đã có những cuộc họp với trái chủ, đề xuất nhiều phương án như giãn thời hạn thanh toán nợ gốc, hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty phát triển hoặc nhận một phần vốn góp để đổi lấy việc hủy bỏ trái phiếu.
Việc Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 08 có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời điểm hiện tại khi tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp phát hành có cơ sở để đàm phán với nhà đầu tư.
Ngoài ra, quy định cho phép gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm sẽ giúp cho áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2023 và 2024 được giảm bớt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định mới có thể giúp xử lý một vài điểm nghẽn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp song để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cần thiết có thêm các giải pháp về mặt pháp lý và vốn. Các doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu lại tiền để giải quyết những khó khăn về dòng tiền. Cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.
Theo VNDirect, bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ ra, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Vì vậy, thị trường đang chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này.
Từ 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm thêm 0,2 - 0,5% lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Riêng với tín dụng bất động sản, để khai thông, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước hết, phải gỡ vướng về pháp lý, vì 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là do yếu tố pháp lý. Một khi khâu này được tháo gỡ, các ngân hàng mới có thể giải ngân.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 6-10/3, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 10/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.680 VND/USD, tăng 43 đồng so với cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở 23.450 VND/USD, giá ở 24.780 VND/USD.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng tăng giảm luân phiên ở biên độ hẹp trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 10/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.680 VND/USD, giảm 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tăng - giảm luân phiên trong tuần qua. Chốt phiên 10/3, tỷ giá tự do giảm 95 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.715 VND/USD và 23.765 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 6-10/03, lãi suất VND liên ngân hàng giảm nhẹ ở nhiều kỳ hạn. Chốt ngày 10/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 6,20% (-0,08 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 6,42% (-0,08 điểm phần trăm); 2 tuần 6,63% (-0,09 điểm phần trăm); 1 tháng 7,10% (-0,05 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng duy trì biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 10/3, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,48% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 4,62% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 4,70% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,85% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 6-10/3, NHNN chào thầu 28.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, đấu thầu lãi suất, có 22.244.36 tỷ đồng trúng thầu đều với lãi suất 6,0%; có 24.384,18 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất, có 83.599,80 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất trúng thầu ở mức 6,0% và có 16.900 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 6,0%; có 73.379,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 29.260,02 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 34.239,39 tỷ đồng, tín phiếu NHNN ở mức 194.299,6 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 8/3, Kho bạc Nhà nước huy động 8.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 1.775 tỷ đồng (đạt 22%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 15 năm lần lượt huy động được 650 và 1125 tỷ. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn trên lần lượt tại 3,70%/năm và 4,36%/năm, tăng 0,02 và 0,09 điểm phần trăm so với tuần trước. Riêng kỳ hạn 10 năm không có khối lượng trúng thầu.
Tuần vừa qua không có khối lượng đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần từ 13-17/3, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 3.000 tỷ và kỳ hạn 15 năm gọi 3.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5128 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 4438 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm nhẹ ở một số kỳ hạn dài. Chốt phiên 10/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,81% (0 điểm phần trăm); 2 năm 3,82% (0 điểm phần trăm); 3 năm 3,84% (0 điểm phần trăm); 5 năm 3,87% (0 điểm phần trăm); 7 năm 3,98% (-0,01 điểm phần trăm); 10 năm 4,32% (-0,11 điểm phần trăm); 15 năm 4,44% (-0,13 điểm phần trăm); 30 năm 4,93% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 6-10/3, thị trường chứng khoán hồi phục khá tích cực. Chốt ngày 10/3, VN-Index đứng ở mức 1.053,00 điểm, tăng 28,23 điểm (+2,75%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index ăng 2,97 điểm (+1,45%) lên 207,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,97 điểm (+1,28%) lên 76,77 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện, với giá trị giao dịch trung bình đạt trên 9.400 tỷ đồng/phiên so với 8.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ hơn gần 300 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Tuần qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell giữ thái độ cứng rắn với lạm phát, đồng thời nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin quan trọng về thị trường lao động. Ngày 7/3, trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Powell nhận định dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến, khiến cho đỉnh lãi suất có thể phải cao hơn kỳ vọng trước đây. Vị Chủ tịch Fed khẳng định, nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn là cần thiết thì cơ quan này sẽ tăng tốc lãi suất chính sách trở lại.
Liên quan tới thị trường lao động Mỹ, trong tháng Một, quốc gia này tạo ra 10,82 triệu cơ hội việc làm mới, thấp hơn so với mức 11,23 triệu của tháng trước đó nhưng vẫn cao hơn dự báo ở mức 10,58 triệu. Trong tháng Hai, Mỹ tạo ra 311 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, thấp hơn mức 504 nghìn của tháng trước đó song và hơn so với dự báo ở mức 244 nghìn.
Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng vừa qua tăng lên thành 3,6%, trái với dự báo đi ngang ở mức 3,4% như kết quả thống kê tháng Một.
Thu nhập bình quân của người lao động Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng Hai, thấp hơn một chút so với dự báo duy trì đà tăng 0,3% của tháng Một.
Cuối cùng, trong tuần kết thúc ngày 4/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 211 nghìn đơn, tăng so với 190 nghìn của tuần trươc đó và cao hơn mức 195 nghìn đơn theo dự báo.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin về chỉ số lạm phát tại Mỹ, được công bố vào tối ngày 14/3 theo giờ Việt Nam.
Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) trong cuộc họp ngày 7/3 nhận định lạm phát đã đạt đỉnh. Theo kịch bản trung tâm, lạm phát sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 3% so với cùng kỳ vào giữa năm 2025. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Úc trong các năm tới được dự báo sẽ trầm lắng và tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại. RBA khẳng đinh ưu tiên đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% - 3%, đồng thời tăng lãi suất chính sách 25 điểm phần trăm, từ 3,35% lên 3,6% - mức lãi suất chính sách cao nhất kể từ tháng 6/2012.
RBA cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ là điều cần thiết, tuy nhiên cũng sẽ quan tâm tới các điều kiện về kinh tế để xác định lộ trình lãi suất trong tương lai. Liên quan tới thông tin kinh tế Úc, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 1,9% so với tháng trước trong tháng đầu năm 2023, bằng với mức tăng của tháng trước đó và khớp với kỳ vọng của các chuyên gia.
Tiếp theo, cán cân thương mại Úc thặng dư 11,69 tỷ AUD trong tháng Một, thấp hơn mức 12,99 tỷ của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 12,25 tỷ theo dự báo.
Trong tuần này, nước Úc chờ đợi các thông tin quan trọng về thị trường lao động tháng Hai, được công bố vào sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam