Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/3 |
Tổng quan
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật ban hành gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vào ngày 11/03, gói cứu trợ được cho là sẽ tái thiết lại xương sống của nước Mỹ.
Các nội dung chính của gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vừa được thông qua gồm: (i) Trợ cấp thất nghiệp liên bang 300 USD/tuần/người tới ngày 06/09; không đánh thuế với 10.200 USD trợ cấp đầu tiên; (ii) Phát tiền trực tiếp 1.400 USD/người cho đa số người dân Mỹ; (iii) Gia hạn chính sách tín dụng thuế trẻ em thêm một năm và tăng quy mô hỗ trợ; mỗi trẻ em dưới 6 tuổi được 3.600 USD và mỗi trẻ từ 6-17 tuổi được 3.000 USD; (iv) Khoảng 20 tỷ USD để sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19; Khoảng 50 tỷ USD để xét nghiệm và truy vết; (v) Bổ sung 25 tỷ USD để hỗ trợ người dân thuê nhà và tiền điện nước; khoảng 10 tỷ USD để giúp trả tiền nợ thế chấp mua nhà hàng tháng; (vi) 350 tỷ USD tiền ngân sách bổ sung cho chính quyền bang, địa phương, bộ lạc; (vii) 120 tỷ USD hỗ trợ các trường học từ mầm non đến hết lớp 12; (viii) Tăng phúc lợi trong Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP – hay còn gọi là tem thực phẩm) thêm 15% cho tới hết tháng 09/2021; (ix) Tăng thêm trợ cấp để giúp người dân Mỹ dễ dàng có bảo hiểm y tế hơn; (x) Hỗ trợ 30 tỷ USD cho các nhà hàng.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, khoản tiền trợ cấp đại dịch Covid-19 trị giá 1.400 USD sẽ bắt đầu được gửi cho người dân Mỹ trong tháng Ba. Đây sẽ là khoản tiền cứu trợ cho người dân Mỹ đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã thông qua hai khoản tiền cứu trợ trị giá 1.200 USD và 600 USD.
Với việc Chính quyền Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD cùng với tiến độ tiêm phòng vaccine Covid-19, kinh tế Mỹ 2021 và trung hạn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn so với dự đoán vào đầu tháng 1 vừa qua. Theo khảo sát tháng mới nhất do Bloomberg thực hiện, tốc độ tăng trưởng trong quý I/2021 của kinh tế Mỹ được dự báo sẽ đạt 4,8%, gấp đôi so với dự đoán của những nhà kinh tế dự báo hai tháng trước. Trong cả năm, GDP dự kiến sẽ tăng 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 1984 và cao hơn so với ước tính của tháng 1 là 4,1%.
Theo các chuyên gia kinh tế, khoản tiền trợ cấp trị giá 1.400 USD cho người dân Mỹ, cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tốc độ tiêm chủng được thúc đẩy nhanh chóng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt cả năm. Việc nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội cũng như tăng cường tiêm chủng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đây chính là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay. Số liệu kinh tế gần đây đã cho thấy kinh tế Mỹ cải thiện trên trong các tháng đầu 2021 khi doanh số bán lẻ trong tháng 1 tăng mạnh nhất trong bảy tháng qua và sản xuất của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm vào tháng 2. Thị trường lao động, vốn phục hồi chậm hơn, đã cho thấy mức tăng việc làm cao hơn dự kiến trong tháng 2, mặc dù số người có việc làm vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày đã tăng gấp bốn lần và các ca nhiễm Covid-19 mới đã giảm mạnh kể từ đầu tháng Giêng.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, xuất khẩu của Việt Nam có thể cũng được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ khi kinh tế nước này hồi phục. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ hàng hoá tại Mỹ trong tháng 1/2021 tăng tới 5,9% m/m, trong khi tháng 12/2020 giảm 1,8%. Doanh số bán lẻ hàng hoá có xuất xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng vọt 70% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh. Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, XK từ Việt Nam sang Mỹ 2 tháng đầu năm 2021 tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có những mặt hàng tăng rất mạnh như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 187%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 153%, sản phẩm từ chất dẻo tăng hơn 90%,…
Có thể thấy, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 25% tổng kim ngạch XK, đồng thời hoạt động thương mại của Việt Nam rất mở, đạt mức 200% trên GDP, do đó, chính sách kích thích tài khóa đang diễn ra của Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ có khả năng hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu nói riêng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam.
Tóm lược thị trường trong nước từ 08/03 - 12/03
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 08/03 - 12/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng khá mạnh 4 phiên đầu tuần và giảm trở lại phiên cuối. Chốt phiên 12/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.183 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 05/03 ở mức 23.828 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt ngày 12/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.066 VND/USD, tăng 34 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các phiên trong tuần qua. Kết thúc tuần ngày 12/03, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.850 – 23.900 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 08/03 - 12/03, lãi suất VND LNH biến động giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 12/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,35% (-0,01 đpt); 1W 0,46% (-0,07 đpt); 2W 0,58% (-0,06 đpt); 1M 0,78% (-0,12 đpt).
Lãi suất USD LNH gần như không biến động trong tuần vừa qua, chốt tuần 12/03 không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn, đóng cửa tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,26% và 1M 0,34%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 08/03 - 12/03, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 08-12/03, KBNN huy động thành công 3.650/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 61%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 600/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.050/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,06%/năm (+0,03%); 7 năm tại 1,46%/năm (-0,09%); 10 năm tại 2,22% (+0,05%) và 15 năm tại 2,45%/năm (+0,05%). Có 9.840 tỷ đồng TPCP đáo hạn trong tuần qua. Tuần từ 15-19/03, KBNN gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này có 6.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong tuần từ 08/03 - 12/03, giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp đạt trung bình 8.362 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 10.337 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều. Chốt phiên 12/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,25% (-0,003 đpt); 2 năm 0,46% (-0,01 đpt); 3 năm 0,65% (+0,05 đpt); 5 năm 1,08% (+0,004 đpt); 7 năm 1,49% (-0,01 đpt); 10 năm 2,36% (+0,01 đpt); 15 năm 2,56% (-0,001 đpt); 30 năm 3,14% (+0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 08/03 - 12/03 diễn biến tích cực khi cả 3 sàn đều chốt tuần trong sắc xanh, thanh khoản ở mức cao, tuy nhiên khối ngoại vẫn bán ròng mạnh. Chốt phiên 12/03, VN-Index tăng 12,87 điểm (+1,10%) lên mức 1.181,56 điểm; HNX-Index đóng cửa tăng mạnh 14,11 điểm (+5,43%) đạt 273,91 điểm; UPCOM-Index tăng 1,77 điểm (+2,25%) lên 80,33 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 18.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.715 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế thế giới, nước Mỹ đón một số chỉ báo tích cực. Đầu tiên, OECD nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ phát triển cao hơn mức trước đại dịch Covid-19 vào giữa năm nay. Cụ thể, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng lên 5,6% trong năm nay so với dự báo trước đó là 4,2%. Trong năm 2022, GDP sẽ tăng 4%, cao hơn mức 3,7% theo lần dự báo trước.
Về nước Mỹ, OECD dự báo kinh tế quốc gia này sẽ tăng 6,5%. Liên quan đến các chỉ báo kinh tế Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,1% m/m trong tháng 2, sau khi tăng 0,3% và đi ngang (0,0% m/m) ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo tăng 0,4% và 0,2%. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 06/03 ở mức 712 nghìn đơn, giảm từ mức 754 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời xuống thấp hơn mức 730 nghìn đơn theo dự báo. Trong tháng 1, quốc gia này đã tạo ra 6,92 triệu cơ hội việc làm mới, cao hơn so với mức 6,75 triệu của tháng trước đó, đồng thời cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 6,65 triệu cơ hội.
NHTW Châu Âu ECB không thay đổi LSCS nhưng tăng tốc thu mua TPCP, bên cạnh đó kinh tế khu vực Eurozone đón một số thông tin trái chiều. Trong tuần vừa qua, ECB dự báo, sau khi suy giảm 6,6% ở năm 2020, Eurozone sẽ tăng trưởng 4,0% trong năm 2021 và 4,1% trong năm 2022. Cơ quan này quyết định duy trì các mức LSCS hiện tại, bao gồm: LS cho vay tái cấp vốn ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên ở mức 0,25% và LS tiền gửi ở mức -0,5%. Tuy nhiên, NHTW này cũng thông báo sẽ đẩy nhanh nhịp độ mua trái phiếu của khu vực, trị giá 1,85 nghìn tỷ EUR, trong 3 tháng tới. Liên quan đến kinh tế Eurozone, GDP của khu vực Eurozone giảm 0,7% q/q trong quý 4/2020; điều chỉnh nhẹ so với mức giảm 0,6% theo dữ liệu sơ bộ.
Như vậy, GDP của khu vực này đã giảm 6,6% trong năm 2020, và mức giảm là 6,2% đối với khu vực Liên minh Châu Âu EU. Sản lượng công nghiệp của Eurozone tăng 0,8% m/m trong tháng 1 sau khi giảm nhẹ 0,1% ở tháng trước đó, vượt mạnh mức tăng 0,3% theo kỳ vọng. Về nước Đức nói riêng, sản lượng công nghiệp của quốc gia này giảm 2,5% m/m trong tháng 1 sau khi tăng 1,9% ở tháng trước đó, mạnh hơn mức giảm 1,9% theo dự báo.
Nước Anh trì hoãn kiểm soát hải quan đối với hàng hóa EU, đồng thời đón nhận một số thông tin kinh tế trái chiều trong tuần vừa qua. Cụ thể, nước này thông báo trì hoãn việc kiểm tra hàng hóa EU thêm 6 tháng, kể từ thời điểm 01/07 được ấn định trước đây, viện dẫn các doanh nghiệp của Anh cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị với tình trạng mới, do những tác động của dịch Covid-19. Như vậy, các thủ tục hải quan mới sẽ được Anh áp dụng vào đầu năm 2022.
Về thông tin kinh tế, GDP nước Anh giảm 2,9% m/m trong tháng 1 sau khi tăng 1,2% ở tháng trước đó, chưa sâu như mức giảm 4,9% theo dự báo. Sản lượng công nghiệp tại Anh giảm 1,5% m/m trong tháng 1 sau khi tăng nhẹ 0,2% ở tháng trước đó, tiêu cực hơn mức giảm 0,9% theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng xây dựng tại nước này tăng 0,9% m/m trong tháng 1 sau khi giảm 2,9% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục giảm 1,0%.