Diễn đàn Du lịch Mekong 2022: Tái thiết ngành du lịch
Du lịch bền vững và toàn diện hơn
Với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch”, Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 (MTF) vừa diễn ra tại Quảng Nam đã quy tụ nhiều nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực, cùng thảo luận về việc xây dựng lại ngành du lịch khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ nhằm tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng ngành du lịch cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tác động tiêu cực đến chi phí vận chuyển và lưu trú khiến gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp lữ hành, ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách làm trì hoãn sự phục hồi du lịch trong GMS. Do đó, cần khuyến khích các bên liên quan bằng mọi cách tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững, cũng như nâng cao năng lực của ngành thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng du lịch.
Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ khu vực tiểu vùng Mekong. |
Tại diễn đàn, hiện trạng du lịch hiện nay cũng như xu hướng và tác động của thị trường đối với động lực du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong khu vực GMS và cách các bên liên quan cũng đã được bàn thảo. Đó là các vấn đề về chính sách quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi bền vững của du lịch như tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên cũng như việc áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch…
Trong thời gian qua, khu vực GMS đã từng bước cho thấy tiềm năng của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong những tháng đầu năm 2022, các nước trong khu vực lần lượt mở cửa đã đón khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế.
Diễn đàn Du lịch Mekong được tổ chức hàng năm nhằm nâng tầm khu vực GMS như một điểm đến du lịch chung, là nơi có thể bàn thảo để giải quyết các vấn đề du lịch của vùng; đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành. Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 là hội nghị trực tiếp đầu tiên của tiểu vùng kể từ khi đại dịch xảy ra, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS.
Thông điệp Việt Nam
Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa trở lại. Việt Nam là 1 trong 4 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở cửa du lịch quốc tế không kèm điều kiện nhập cảnh. Ngành du lịch đã đẩy mạnh truyền thông thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với chiến dịch “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. Riêng đối với các nước GMS, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ khu vực này. Dự kiến, lượng trao đổi khách sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian tới, khi các nước trong tiểu vùng đang lần lượt gỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, thông điệp Việt Nam muốn gửi tới các đại biểu tham dự diễn đàn là hãy chung tay đóng góp để du lịch phát triển bền vững; Tập trung vào mục tiêu thiết thực để làm cho ngành du lịch và lữ hành trở nên tốt hơn, vì lợi ích của cộng đồng.
Năm 2022, mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra là thu hút 5 triệu khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên đến hết 9 tháng, cả nước mới đón được 1.650.000 lượt. Trước đó, năm 2019 - thời điểm chưa có đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt du khách quốc tế.
Đối với thị trường nội địa, ngành du lịch đặt mục tiêu phục vụ 60 triệu lượt trong năm 2022. Nhưng hiện nay, lượng khách nội địa đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt 86,8 triệu lượt khách. Dự báo du lịch nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2022. Có thể mục tiêu thu hút 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 khó hoàn thành, song từ con số 0 trong năm 2021, những kết quả mà ngành du lịch đang đạt được cũng rất đáng khích lệ.
Bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) chia sẻ: “Tôi cảm thấy lạc quan khi ngành du lịch đang tái hoạt động trở lại. Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch đang được thay đổi hàng ngày. Do đó, những người làm du lịch ở địa phương cần tạo ra những sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách”.
Để phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS, các nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch ở nhiều phân khúc. Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư; cùng với đó là tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, phối hợp với các nhà đầu tư mới, tiềm năng để tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tiểu vùng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để thành công trong tái thiết ngành du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành du lịch khu vực GMS. Là các nước có lợi thế với vị trí địa lý gần nhau, cùng sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, trong thời gian không xa, khu vực GMS sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế.