Doanh nghiệp bưu chính lo cạnh tranh không lành mạnh
Ra mắt mã địa chỉ bưu chính VPostcode - nền tảng thúc đẩy thương mại điện tử Tăng cường đảm bảo an ninh bưu chính Ngăn chặn hàng phi pháp qua đường bưu chính |
Về lâu dài, việc giảm giá dưới giá thành mang đến những hệ quả tiêu cực cho chính doanh nghiệp phá giá. |
Số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng gấp 2 lần
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, Phụ trách Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của thương mại điện tử và xu hướng “xanh hóa” trong dòng chảy kinh tế số theo hướng kinh tế tuần hoàn, bưu chính chuyển phát ngày càng phát huy hiệu quả của dòng chảy vật chất, hoàn tất chu trình cung cấp hàng hóa từ nhu cầu mua sắm online sang giao vận trong đời sống thực tế, khẳng định vai trò quan trọng là hạ tầng liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị cung ứng trong nước và toàn cầu, vì thế, ngành này đã có sự bùng nổ phát triển nhanh, mạnh.
Với đặc điểm là ngành có sự phát triển nhanh, mạnh, chỉ trong vòng 5 năm (2018-2022), số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng nhanh từ con số 410 lên hơn 800 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ: “Bưu chính, chuyển phát và giao hàng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay đang là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia khai thác thị trường và tìm kiếm lợi nhuận”.
Theo ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hoạt động bưu chính tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số.
Trong giai đoạn 2019-2023, thị trường bưu chính Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 28.300 tỷ đồng năm 2019 lên gần 59.000 tỷ đồng năm 2023, trong đó ước tính doanh thu dịch vụ gói, kiện thương mại điện tử đạt hơn 38.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 64%.
Về sản lượng, năm 2019, các doanh nghiệp bưu chính đã chuyển phát 715 triệu bưu gửi gồm thư và gói, kiện. Đến năm 2023, sản lượng toàn thị trường đạt gần 2,5 tỷ bưu gửi, trong đó, sản lượng gói, kiện thương mại điện tử là 1,84 tỷ đạt khoảng 75%.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử, trực tiếp là các sàn thương mại điện tử, từ năm 2020 trở lại đây đang có xu hướng các sàn thương mại điện tử xây dựng hệ sinh thái khép kín, bao gồm doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính để vận chuyển hàng hóa trên sàn, nền tảng thanh toán...
Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các doanh nghiệp bưu chính của các sàn thương mại điện tử đã tăng trưởng nhanh chóng, chỉ trong 2 - 3 năm đã thuộc top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất trên thị trường.
Theo ông Lã Trường Giang, hầu hết các doanh nghiệp bưu chính trong top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất đều là các doanh nghiệp đang tham gia vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử. Do đó, các vấn đề cạnh tranh sẽ chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp bưu chính tham gia chuyển phát gói, kiện thương mại điện tử.
Khó cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyển phát quốc tế
Sự tăng trưởng rất nhanh của thương mại điện tử, sản lượng bưu gửi phục vụ thương mại điện tử cũng tăng nhanh và đây là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt, do đó dẫn đến nguy cơ có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, các sàn thương mại điện tử đang chỉ định một số ít doanh nghiệp bưu chính tham gia vận chuyển hàng hóa giao dịch trên sàn của mình, trong khi đó các shop bán hàng và người mua hàng không được lựa chọn doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa do mình bán, mua.
Ông Lã Trường Giang cho biết, mặc dù chất lượng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp đang được cải tiến liên tục, nhưng do sản lượng bưu kiện gửi tăng rất nhanh qua từng năm. Năm 2023, hàng ngày có gần 7 triệu bưu kiện gửi, trong đó khoảng 5 triệu bưu kiện gửi thương mại điện tử được chuyển phát qua dịch vụ bưu chính, dẫn đến vẫn có doanh nghiệp chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ, bưu kiện gửi đến chậm, còn hiện tượng mất bưu gửi, bưu gửi không nguyên vẹn.
Hiện nay các doanh nghiệp bưu chính tại Việt Nam hoạt động một cách đơn lẻ. Do vậy, khi hội nhập quốc tế sẽ không có đủ các điều kiện để đáp ứng với thị trường quốc tế và cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyển phát quốc tế toàn cầu.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, hoạt động còn manh mún, quy mô mạng lưới độc lập, mạnh ai nấy làm và không có khả năng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhân lực; việc phát triển ổn định, lâu dài thực sự rất khó khăn.
Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp chủ đạo trên thị trường cũng gặp rất nhiều thách thức khi cạnh tranh với các doanh nghiệp bưu chính lớn có nguồn vốn đầu tư dồi dào từ nước ngoài.
Trên thực tế các công ty bưu chính nội địa đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng ngành nghề của các sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát xuyên biên giới. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài không ngừng mở rộng nguồn vốn đầu tư, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại để cạnh tranh giành thị phần. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với giá rẻ, dưới mức giá trung bình của thị trường để thu hút khách hàng.
Mặc dù tính hiệu quả ngắn hạn của việc cạnh tranh về giá mang lại là không thể phủ nhận, song tính theo dài hạn, việc này mang đến những hệ quả tiêu cực cho chính doanh nghiệp phá giá, các doanh nghiệp cùng ngành và cả thị trường bưu chính Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, điều này trong một giai đoạn nhất định sẽ tác động lớn đến thị phần, khách hàng, doanh thu, tốc độ tăng trưởng của ngay cả những doanh nghiệp bưu chính nội địa lớn, chưa kể đến những doanh nghiệp nhỏ lẻ, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như những bất ổn trong việc phát triển thị trường bưu chính Việt Nam.
Để thị trường dịch vụ bưu chính phát triển lành mạnh, thời gian tới, theo ông Lã Hoàng Trung, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng quy định về giá cước, chất lượng, công khai kết quả đối với nhóm 20 doanh nghiệp bưu chính lớn. Cụ thể sẽ xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép các doanh nghiệp bưu chính vi phạm quy định nhiều lần, sử dụng giấy phép bưu chính sai mục đích.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an để quản lý về cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.
Nghiên cứu sửa đổi Luật Bưu chính, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung các nội dung như điều kiện cấp giấy phép hoạt động bưu chính, nghiên cứu việc bổ sung quy định đặc thù về doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường Nhà nước cần quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính để từ đó quy định các chế tài (thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lâu dài) ở Nghị định xử phạt đối với doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp này khi có vi phạm về giá cước, khuyến mại, cạnh tranh.