Ngăn chặn hàng phi pháp qua đường bưu chính
Dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một loạt các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai, nhưng tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn nhức nhối với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý, là do nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng cũng nảy sinh những tiêu cực khi nhiều doanh nghiệp bưu chính hoặc bị lợi dụng hoặc cố tình tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, hiện nay, thị trường Việt Nam có khoảng 550 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động hợp pháp. Hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại kho hàng của doanh nghiệp bưu chính, hay kho hàng hóa nội địa của các công ty dịch vụ hàng không, của các công ty logistics, sau đó sử dụng dịch vụ bưu chính để chuyển đến khách hàng. Mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử…
Hệ thống băng chuyền chia chọn tự động bưu gửi |
Việc vận chuyển hàng gian qua hình thức, có thể kể đến một số vụ việc nổi cộm được các lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua trên phạm vi cả nước, như: Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05 - Bộ Công an đã phát hiện một kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại TP. Lào Cai vào ngày 7/7/2020, trong đó, có một số doanh nghiệp bưu chính tham gia công đoạn vận chuyển. Hay vụ xe hàng của Viettel Post ở Lạng Sơn chở hàng lậu do Đội QLTT số 2, Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389) tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra, phát hiện ngày 17/9/2020…
Hay Vụ Bưu chính, Thanh tra Bộ TT&TT đã phối hợp, cung cấp thông tin và có ý kiến chuyên môn thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước với Bộ Công thương, Tổng cục QLTT đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH MTV CPN Thuận Phong tại kho Cảng ICD Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm và lô 14 khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội liên quan đến các bưu kiện gửi có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… với tổng giá trị hàng hóa trên 2,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện một số doanh nghiệp bưu chính có dấu hiệu vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát qua mạng bưu chính như vật phẩm nghi là ma túy, pháo. Lại có doanh nghiệp vận tải hàng hóa/hành khách không có giấy phép bưu chính nhưng vẫn vận chuyển bưu gửi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn an ninh cho bưu gửi, cho xe, cho người lao động…
Ngoài ra, còn có hiện tượng doanh nghiệp bưu chính tráo đổi bưu phẩm chứa hàng hóa có giá trị thành những sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại cho khách hàng. Cùng với đó là tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá sâu thông qua các chương trình khuyến mại kéo dài, gây bất ổn thị trường bưu chính…
Đại diện Công ty Chuyển phát nhanh GMT cho rằng, các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính hiện có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để qua mắt cơ quan chức năng, như hàng hóa được tách rời thành nhiều thành phần và kê khai vận đơn không đúng…
Trên cơ sở nhận diện, phát hiện thủ đoạn mới lợi dụng công nghệ số, thương mại điện tử và loại hình kinh doanh bưu chính để vận chuyển và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả xuất xứ, hàng cấm, thậm chí lừa dối người tiêu dùng... Giám đốc công ty CP Giao hàng tiết kiệm Phạm Hồng Quân đã đưa ra một trong những biện pháp được đơn vị này thực hiện để kiểm soát bưu gửi. Đó là ứng dụng công nghệ triệt để để kiểm tra nhiều lớp: nhân viên tiếp nhận hàng hóa thực hiện chụp ảnh các bưu phẩm, bưu kiện gửi đến; bộ phận kiểm tra nội bộ sẽ rà soát toàn bộ hình ảnh chụp hàng hóa và triển khai máy quét hàng hóa tại các trung tâm chia chọn.
Bên cạnh đó, công ty cũng ứng dụng phần mềm số hóa kho trong kiểm tra chéo hàng hoá, tập trung số hóa các công tác vận hành từ tiếp nhận đến giao hàng, tiến tới 30.000 nhân viên của công ty đều trở thành người kiểm soát hàng hóa gửi. Công ty cũng ứng dụng phân tích dữ liệu để phân loại và đánh giá sự tin cậy của các hàng hóa, tiến tới kiểm tra 100% các mặt hàng.
Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, cần có các quy chế chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này. Cần phải làm rõ hơn về điều kiện chuyển phát hàng gửi, về yêu cầu chung đối với quy trình tiếp nhận hàng hóa cho tất cả các doanh nghiệp bưu chính, đảm bảo hàng hóa lưu thông kịp thời.
Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc kẻ xấu sẽ lợi dụng khai thác với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy, Thanh tra Bộ Công thương và Ban chỉ đạo 389 sẽ đồng hành với các doanh nghiệp bưu chính kiên quyết chống buôn lậu, gian lận…
Các doanh nghiệp cũng đang rất kỳ vọng sẽ sớm có thông tin, hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện tốt các quy định, tạo điều kiện phát triển bền vững, đảm bảo an toàn bưu gửi, đảm bảo dòng chảy vật lý bên cạnh dòng chảy điện tử.
Ông Võ Thanh Lâm, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT chia sẻ, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Thanh tra Bộ phối hợp với Vụ Bưu chính trao đổi, làm việc với Bộ Công thương về những bất cập trong công tác quản lý liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính. Chỉ đạo các Sở TT&TT phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra trên địa bàn đối với các doanh nghiệp bưu chính có dấu hiệu "tiếp tay" cho vận chuyển hàng cấm và xử lý theo quy định của pháp luật.