Doanh nghiệp dệt may chủ động đổi mới công nghệ
Xuất khẩu dệt may sẽ không đạt mục tiêu 40 tỷ USD | |
Ngành dệt may thu hút công nghệ mới |
Ảnh minh họa |
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, ngành này luôn có sự tăng trưởng liên tục và ổn định khoảng 15%/năm, dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may sẽ đạt khoảng 39 tỷ USD và đứng vị trí thứ ba trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, với hơn 80% trong đó là lao động nữ. Tuy lớn mạnh như vậy, nhưng ngành cũng không thoát khỏi những khó khăn rất khó khắc phục, như thiếu nguyên liệu sản xuất (vải, khuy nút, khóa, chỉ…). Điều này dẫn đến việc ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng không nhỏ.
Cụ thể, nếu 11 tháng/2019 xuất khẩu đạt gần 39 tỷ USD, thì nhập khẩu nguyên phụ liệu đạt 22,38 tỷ USD tăng 2,21%, trong đó giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD tăng 4,96%. Đặc biệt, hiện nhân công trong lĩnh vực này cũng đang biến động liên tục, tạo không ít áp lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc trình độ nhân lực còn thấp (84,4% lao động có trình độ phổ thông, lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%), là một trong những hạn chế khi doanh nghiệp muốn tiếp cận khoa học kỹ thuật.
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xu hướng sử dụng hàng dệt may trên thế giới hiện nay là các sản phẩm xanh, dùng vật liệu nano… Bên cạnh đó là xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may sản phẩm cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D).
Do đó, công nghệ sản xuất của ngành dệt, may, nhuộm phải đáp ứng được xu thế này. Thế nên từ hai năm trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của Vitas đã tập trung đầu tư vào tự động hóa dây chuyền sản xuất, chuẩn bị nguồn lực tổng thể (con người, vốn, công nghệ số, nền tảng công nghệ thông tin) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất, phát triển công nghệ thân thiện môi trường.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đang thay đổi phương thức kinh doanh, cách quản lý và chuyển dần sang xu hướng khai thác thị trường nội địa, tăng khai thác thị trường thụ sản phẩm thủ công, phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ sợi dệt, nhuộm, may đến tiêu thụ.
Hiện phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã từng phần hiện đại hóa trong sản xuất ở ba lĩnh vực chính là sợi, dệt nhuộm và may mặc. Trong đó nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa và công nghệ thông tin vào sản xuất, đã tạo hiệu quả nâng cao về năng suất, tốc độ sản xuất, nhưng lại giảm số người lao động (giảm chi phí nhân công cho doanh nghiệp). Ví dụ, trước đây 5 năm, để sản xuất 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động, còn hiện nay chỉ cần 30 lao động là đủ (giảm gần 4 lần).
Ông Lê Tiến Trường cho rằng, việc các doanh nghiệp dệt may áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn trong quản lý sản xuất sẽ làm tăng năng suất theo cấp số nhân, kéo theo khả năng cải thiện nhanh thu nhập của doanh nghiệp và tạo ra một mô hình mới trong ngành dệt may, da giày.
Từ đó, cải thiện tốt thu nhập của người lao động, tương đương với các ngành khác (không còn là ngành lao động phổ thông, thu nhập thấp). Đây là cơ hội mới để ngành dệt may tiếp tục thu hút lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng khó khăn từng năm do biến động lao động.