Doanh nghiệp ngành gỗ cấp thiết chuyển đổi xanh
Yêu cầu khắt khe của thị trường
Việt Nam là một trong những “ông lớn” trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Hiện, chúng ta đang đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam vốn đã được người tiêu dùng thế giới biết đến và lựa chọn...
Tuy nhiên, năm 2023, do ảnh hưởng của xung đột thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu đã giảm 15,4% so với 2022, chỉ đạt 14,5 tỷ USD…
Bước sang năm 2024, bên cạnh những khó khăn về sức mua của thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn mới do thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường, đặc biệt là những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, kinh doanh ngày càng khắt khe của các thị trường.
Thời gian gần đây, các quy định về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm được các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn đưa ra ngày càng chặt chẽ, chi tiết hơn. Câu chuyện cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (COC) dù không mới nhưng vẫn còn mang tính thời sự.
Tại châu Âu, bắt đầu từ tháng 12/2024, quy định chống mất rừng của EU (EUDR) có hiệu lực. EUDR là quy định thuộc thỏa thuận xanh EU, cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nếu quá trình sản xuất gây mất rừng.
Doanh nghiệp ngành gỗ ở trong nước phải cấp thiết chuyển đổi xanh để thích ứng và tồn tại. |
Bên cạnh đó, từ năm 2027, hàng hóa đưa vào thị trường EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính.
Hai thị trường nói trên cũng sẽ kiểm soát, đánh giá hàm lượng các-bon trong sản phẩm. Nếu hàm lượng các-bon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ các-bon.
Tương tự, thị trường Nhật cũng yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững.
Thị trường Đức cũng đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Các nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
Doanh nghiệp chủ động thích ứng
Trong bối cảnh các thị trường quốc tế đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ… buộc các doanh nghiệp trong nước phải cấp thiết thích ứng. Yêu cầu chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp ngành gỗ trong nước đang đặt ra cấp bách, bởi mốc thời gian các quy định có hiệu lực không còn nhiều...
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, năm 2023, hơn 130 thành viên của Hiệp hội là các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất đã nỗ lực vượt qua thách thức, ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu 1,6 tỷ USD của địa phương.
Thời gian gần đây, nhiều công ty gỗ ở địa phương đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như, thay đổi mẫu mã đa dạng, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… nhằm biến những bất lợi thành cơ hội, những nguy cơ thành thời cơ. Song song đó, các doanh nghiệp cũng đang rất quan tâm đến sản suất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tại địa phương đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp đã liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (TP. Quy Nhơn) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh ở địa phương. Theo đó, công ty đã được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ đầu tư thay đổi một số máy móc, thay hệ thống sấy nhiệt hơi cho lò sấy cũ, qua đó giảm tới 3/4 lượng điện năng tiêu thụ.
Hệ thống sấy nhiệt hơi nước, dù đắt gấp 5 lần giàn sấy điện, đã được công ty mạnh dạn đầu tư thay thế cho lò sấy dùng bóng đèn hồng ngoại với lượng điện năng tiêu tốn tiết kiệm được 3/4 so với trước. Đặc biệt, với dàn pin năng lượng mặt trời, hơn 3 năm qua, chi phí tiền điện tại nhà xưởng đã giảm từ 20-25 tỷ đồng/năm xuống còn 13-15 tỷ đồng/năm…
Bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất kinh doanh, việc chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng cũng phải được chú trọng phát triển. |
Theo đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, doanh nghiệp ngành gỗ trong nước buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế, từ đó giúp doanh nghiệp duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường cả trong nước lẫn quốc tế.
Bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất kinh doanh, việc chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng cũng được Bình Định chú trọng phát triển. Theo đó, toàn tỉnh đang có gần 10.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) gần 15.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn là hơn 7.600 ha.
Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tập trung của Bình Định sẽ đạt 10.000 ha, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng là gần 16.000 ha. Định hướng đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt hơn 50.000 ha, tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt hơn 60%.
Hiến kế cho các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ ở tỉnh nên xây dựng liên kết chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ. Khi đó, việc đáp ứng các điều kiện gỗ hợp pháp của các thị trường khó tính sẽ thuận tiện hơn, cả khâu hoàn thuế giá trị gia tăng cũng sẽ ít tốn kém.
Dần dần, tất cả các thị trường nhập khẩu đồ gỗ sẽ đều siết chặt các điều kiện liên quan đến yếu tố “xanh” - từ sản xuất xanh, thương mại xanh đến tăng trưởng xanh, chúng ta buộc phải đáp ứng yêu cầu truy xuất đến tận người trồng rừng. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu muốn bán hàng cho đối tác.