Doanh nghiệp nuôi lợn “cầu cứu”
Bán một con lợn lỗ cả triệu đồng
Theo ghi nhận tại Đồng Nai và một số khu vực chăn nuôi lợn tại tỉnh Bình Dương, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh. Giá lợn thời điểm Tết trung bình khoảng 75.000-80.000 đồng/kg thì đến hiện nay đã giảm chỉ còn khoảng 47.000-49.000 đồng/kg, tương đương giảm khoảng 35-37%.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tính toán, với mức giá thức ăn chăn nuôi như hiện nay, các trang trại và gia trại chăn nuôi lợn đang phải chịu bán thấp hơn giá thành khoảng 4.000-7.000 đồng/kg. Tính gộp tất cả các khoản chi phí, nhiều hộ tính toán hễ cứ bán một con lợn thì họ sẽ lỗ khoảng một triệu đồng. Nếu trang trại nuôi lớn hàng chục nghìn con thì con số lỗ lên tới vài chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lợn giảm mạnh thời gian qua là vì các trang trại chăn nuôi e ngại dịch tả lợn châu Phi lan rộng, thời gian qua có hiện tượng bán tháo đàn lợn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá nhanh khiến giá thành đội lên.
“Các trang trại nhỏ, gia trại không cạnh tranh được với các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài quy mô lớn, buộc phải tiết giảm đàn lợn, chịu lỗ, bán tháo để treo chuồng”, ông Công cho biết.
Ảnh minh họa. |
Nhìn ở phạm vi cả nước, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, những tháng qua, giá thịt lợn xuống dưới mức giá thành không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, việc này đã tác động tiêu cực tới việc tiêu thụ thịt lợn. Ông Thắng cho biết, hiện đàn lợn cả nước đang duy trì ổn định khoảng trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Với giá lợn hơi 47.000-49.000 đồng/kg, người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ. Các trang trại khép kín có thể không lỗ nhưng cũng sẽ không có lãi.
Kiến nghị giảm thuế, tăng xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đà giảm của giá thịt lợn đã bắt đầu từ cuối quý III năm ngoái khi thị trường tiêu thụ chậm và lượng lợn đến tuổi xuất chuồng tăng nhanh ở các địa phương. Ngay từ đầu năm 2023, Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính nhanh chóng bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với khô đậu tương, bởi loại nguyên liệu này hiện đang là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và đang chịu thuế suất nhập khẩu 2%. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3 vừa qua, Chính phủ mới có chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xem xét, cân nhắc giảm mức thuế này.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Công cho rằng đối với hoạt động hỗ trợ tài chính và tín dụng, việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0% cần nhanh chóng triển khai trong quý II/2023 để các tháng tới những trang trại tái đàn có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu rẻ hơn, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, hiện đa số các doanh nghiệp chăn nuôi đều có vay vốn ngân hàng. Vì thế, ngân hàng nên xem xét hỗ trợ ngành chăn nuôi bằng cách gia hạn thời gian thanh toán nợ gốc và giảm một phần lãi suất cho các khoản vay hiện hữu. Ngoài ra, các NHTM thời gian qua có các gói vay đặc thù dành riêng cho lĩnh vực đầu tư trang trại chăn nuôi như Vietcombank, HDBank, VPBank… đề nghị nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh các gói vay này ở các tỉnh, thành chăn nuôi trọng điểm để mở thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Từ phía ngân hàng, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện ngành Ngân hàng tỉnh Đồng Nai cũng đã nắm bắt được khó khăn của ngành chăn nuôi và đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn cho vay theo Nghị định 55/2015, Nghị định 116/2018 của Chính phủ, đồng thời rà soát các khách hàng để tăng cường giải ngân cho vay gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN.
Theo ông Bảo, tính đến cuối tháng 2/2023, tổng dư nợ cho vay chăn nuôi tại Đồng Nai đạt khoảng trên 10.100 tỷ đồng, trong đó hơn 80% là cho vay chăn nuôi lợn. Vì thế, có thể nói các ngân hàng vẫn đồng hành tích cực với doanh nghiệp và người chăn nuôi trong bối cảnh khó khăn hiện nay.