Doanh nghiệp phải đề phòng bị châu Âu kiện
Muốn hội nhập thành công, cần nhìn vào nội lực | |
EVFTA không phải là “cây đũa thần” |
Lượng tiêu thụ nhiều và đa dạng phân khúc hàng hóa, song EU vẫn luôn là thị trường khó tính nhất |
Ông Lương Kim Thành Phó Trưởng Phòng Xử lý Phòng vệ Thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương) cho biết, châu Âu là một trong các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; đây cũng là thị trường mang lại thặng dư thương mại rất lớn cho Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Trước khi EVFTA có hiệu lực, thặng dư thương mại của EU với Việt Nam đã lên đến 26 tỷ USD và con số này còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi EVFTA thực thi.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý các DN khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này bởi EU hiện là một trong ba thị trường áp dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất. Do đó, khi mức độ thặng dư thương mại của EU với Việt Nam tăng lên, khả năng EU áp dụng phòng vệ thương mại với Việt Nam rất cao.
Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có thể thấy, có ba nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất. Đó là, điện thoại, linh kiện điện thoại, máy vi tính, linh kiện điện tử, thiết bị máy vi tính với kim ngạch là 17 tỷ USD/năm. Tiếp theo là nhóm hàng giày dép, sản phẩm may mặc và nhóm hàng nông thủy sản. Tuy kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này vào EU khá cao, nhưng sản xuất chính của nhóm hàng này là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…). Hàng hóa sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, phía Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ, nên nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại đối với nhóm mặt hàng này không cao.
Riêng nhóm hàng nông thủy sản thì DN xuất khẩu cần rất chú ý, vì EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới về trợ cấp nông nghiệp. Trong khi đó, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng hơn 2 tỷ USD/năm, riêng thủy sản là 1,25 tỷ USD/năm, nên khả năng bị áp dụng phòng vệ thương mại khá cao.
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, đến thời điểm này (tháng 9/2020), Việt Nam có ba mặt hàng có nguy cơ cao bị EU áp dụng phòng vệ thương mại, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chưa lớn là thép, vốn là mặt hàng được EU bảo hộ cao chỉ sau nhóm hàng nông nghiệp.
Tiếp đến là đồ gỗ, đây là mặt hàng EU thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhất. Bởi trong số các nước thành viên EU, có những quốc gia chuyên sản xuất đồ cao cấp, cũng có quốc gia sản xuất các sản phẩm gỗ thông thường. Và chỉ cần một đến hai nước trong khối bị ảnh hưởng bởi đồ gỗ nhập khẩu, thì EU sẽ áp dụng ngay biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội khối. Đồ gỗ Việt Nam xuất vào EU đạt kim ngạch khá lớn, khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm, nên DN cần chú ý khi muốn tăng số lượng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này.
Một mặt hàng khác của Việt Nam đã bị phía EU nhắc nhở từ đầu năm 2020 đến nay là sản phẩm xe đạp. Vì thời gian qua Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được khá nhiều thông tin từ đại diện của phái đoàn của EU tại Việt Nam đề nghị làm rõ tình trạng xuất khẩu đồ gỗ, xe đạp sang EU. Trong đó đề nghị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và đưa ra cảnh báo về việc xuất khẩu đang tăng nhanh. Một số DN của EU cho rằng hàng hóa của Việt Nam đã gây thiệt hại cho sản xuất của họ.
Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường lớn, lượng tiêu thụ nhiều và đa dạng phân khúc hàng hóa, song EU vẫn luôn là thị trường khó tính nhất. Vì vậy, các DN khi xuất khẩu hàng hóa vào EU cũng cần chú ý đến những rào cản kỹ thuật này.
Những mặt hàng Việt Nam xuất vào EU sắp vượt ngưỡng hưởng ưu đãi Theo Bộ Công thương, Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) vừa gửi công hàm cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào châu Âu (EU) có nguy cơ vượt mức ngưỡng ưu đãi, có thể áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020. Theo đó, 12 nhóm mặt hàng của Việt Nam như áo sơ mi, váy, quần áo trẻ em, áo len, áo khoác, đồ lót và đồ gỗ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước EU trong mức ngưỡng quy định. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2020, một số mặt hàng được xác định có nguy cơ vượt mức ngưỡng này như, váy, đầm, quần áo phụ nữ... với sản lượng xuất khẩu đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020. Mà quy định trong EVFTA những mặt hàng này có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng. Và tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng này sẽ bị áp mức thuế trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng. |